Indonesia: Động đất 7 độ Richter, 82 người chết, cảnh báo thảm họa sóng thần

(NTD) - Ngày 6/8, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý (BMKG) cho biết, vào lúc 18h45, một trận động đất mạnh 7 độ Richter đã làm rung chuyển khu vực bắc Lombok, tây Nusa Tenggara. Tính tới rạng sáng 6/8, đã có ít nhất 82 người chết và hàng trăm người bị thương. Hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và tìm kiếm người mất tích vẫn đang khẩn trương diễn ra. Dự báo số người chết sẽ còn tăng.

Ông Sutopo Purwo Nugroho - phát ngôn viên Cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia, cho biết phần lớn nạn nhân tử vong là ở khu vực phía bắc Lombok, nằm cách xa các điểm du lịch chính ở phía nam và phía tây của đảo. Vị trí tâm chấn của trận động đất được xác định nằm ở độ sâu 10 km, cách khoảng 27 km về phía đông bắc Lombok. Ông Nugroho nói rằng cảnh báo sóng thần được ban bố ngay sau trận động đất (sau đó được gỡ bỏ) khiến người dân hoảng loạn, vội vã chạy đi tìm khu vực an toàn.  

Phóng viên AFP dẫn lời giới chức BMKG cho biết phần lớn thiệt hại do trận động đất nằm ở thành phố chính trên đảo Lombok là Mataram.

Như vậy liên tục từ ngày 29/7 đến nay, khu vực này đã xảy ra 5 trận động đất có cường độ từ 3-7 độ Richter, trong đó trận động đất mạnh 6,4 độ Richter ngày 29/7 đã gây thiệt hại nặng nề, 17 người thiệt mạng, hơn 400 người khác bị thương, hiện vẫn có hơn 20.000 người phải rời khỏi nơi cư trú.

 
Hiện trường đổ nát sau trận động đất ở Lombok và Denpasar, Bali ngày 5/8 (Ảnh: AFP)

Ông Arifin Muhammad - Trưởng ban kiểm soát thiên tai tại Hội Chữ thập Đỏ Indonesia, xác nhận con số thương vong, cho biết hàng trăm người đã được đưa đến các bệnh viện địa phương và hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Phía tây Bali cũng cảm thấy rõ dư chấn của động đất.

 “Tất cả mọi người trong khách sạn đều chạy, nên tôi cũng chạy theo. Mọi người đổ ra đường phố. Giới chức yêu cầu mọi người không được hoảng loạn” - Michelle Lindsay, du khách người Australia tại Bali, nói với phóng viên AFP.

Bộ Du lịch Indonesia thông báo không có khách du lịch nào “bị thương hoặc bị ảnh hưởng” bởi trận động đất. Hội Chữ thập Đỏ Indonesia cho biết 4 tình nguyện viên bị thương đã được nhập viện. Ông Arifin cho biết thêm: Nhân viên của tổ chức này đã đưa người dân tới nơi đất cao và khuyên người dân rời khỏi khu vực bờ biển do quan ngại sóng thần.

Một số khu vực tại Lombok bị cắt điện. Dịch vụ điện thoại bàn và di động đều không hoạt động tại Tanjung - thị trấn gần tâm chấn nhất. Các bức ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy sân bay Bali chịu nhiều thiệt hại. Hoạt động tại các sân bay của Bali và Lombok lúc đó vẫn đang diễn ra bình thường…

 
Nhân viên y tế cứu chữa những người bị thương (Ảnh: Reuters)

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã nhận được cuộc gọi của 3 du khách người Việt đang nghỉ tại Bali phản ánh khách sạn họ đang lưu trú đã bị nứt tường và lo ngại trước thông tin cảnh báo sóng thần. Cán bộ Đại sứ quán đã cung cấp thông tin về việc BMKG cho biết chiều cao sóng thần sẽ chỉ ở mức 0,5m, đồng thời khuyên các công dân bình tĩnh và tuân thủ các hướng dẫn của giới chức địa phương.

Indonesia nằm ở "Vành đai lửa Thái Bình dương" trải rộng 40.000 km từ Nhật Bản, Indonesia đến California, Mỹ - nơi tiếp giáp các mảng kiến tạo địa chất nên thường xuyên xảy ra động đất cũng như núi lửa phun trào. Hầu hết động đất trên thế giới đều xảy ra trong khu vực lòng chảo này do hoạt động mạnh mẽ của địa chất và núi lửa.

Được biết, vào tháng 12/2004, một trận động đất gây sóng thần khủng khiếp đã xảy ra tại Sumatra làm hơn 230.000 người thiệt mạng và nhiều người đến nay vẫn còn mất tích.                                                                                                                                                                                                                          Kim Thoa

                                                                                                                                                    (Dịch từ AFP)

Nên đọc