ICAFIS yêu cầu cải chính thông tin nuôi cá rô phi bằng thuốc trừ sâu

Trong những ngày qua, một số trang mạng xã hội xôn xao “Lý do bạn nên dừng ăn cá rô phi ngay lập tức”. Được biết sự việc trên, Tiến sĩ Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) yêu cầu cải chính lại thông tin trên.

 

Yêu cầu cải chính thông tin "Cá rô phi nuôi bằng thuốc trừ sâu"

Sáng 6-9, TS Lê Thanh Lựu, Giám đốc ICAFIS cho biết, nếu cơ quan chức năng xác minh khẳng định cá rô phi trong vùng không nuôi bằng thuốc trừ sâu sẽ yêu cầu các báo đăng thông tin cải chính thông tin.

Trước đây, bài viết có đề cập: “Trong thực tế, môi trường sống “tự nhiên” của nó (cá rô phi) là trang trại nuôi cá ở Trung Quốc, nơi thực phẩm tự nhiên như tảo và cây cỏ được thay thế bằng đậu nành biến đổi gen, ngô và vô số các loại thuốc kháng sinh, đặc biệt là thuốc trừ sâu. Cá rô phi nuôi công nghiệp trong các nông trại chứa hàm lượng dioxin cao hơn 11 lần so với cá rô phi tự nhiên. Dioxin không chỉ gây độc hại cho cơ thể bạn mà thậm chí nó còn có thể kích hoạt sự phát triển bệnh ung thư…”.

Theo ông Lựu “Con người đụng tới thuốc trừ sâu còn chết, huống chi cá, một thông tin quá phản khoa học. Ngoài ra, không một cơ quan nào có thể cấp phép nuôi cá ở vùng đất nhiễm chất dioxin cả. Nếu bài báo không ghi địa chỉ cụ thể nơi nào nhiễm dioxin hoặc chính xác người nông dân nào nuôi cá bằng thuốc trừ sâu mà chỉ ghi chung chung, đánh đồng thì vô tình làm ảnh hưởng đến người nông dân cơ cực”.

Tuy nhiên trước thông tin trên, một lãnh đạo Chi cục Thuỷ sản tỉnh An Giang khẳng định, không có chuyện người nuôi sử dụng thuốc trừ sâu cho cá rô phi. Còn việc sử dụng kháng sinh là có khi cá bị bệnh nhưng liều lượng như thế nào còn tuỳ thuộc vào bệnh nhiều hay ít và từng vụ, mùa nuôi.

ICAFIS sẽ gửi công văn nhờ Hội Luật gia Việt Nam can thiệp để thông tin đến người tiêu dùng an tâm với cá rô phi.

Huỳnh Nga