Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia mới đây đã phát bản tin khẩn cấp cho biết, đến 13h chiều ngày 5/9, vị trí tâm siêu bão số 3 (bão Yagi) trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 460km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.
Trước nguy cơ bão Yagi sẽ đổ bộ vào đất liền, vào ngày 5/9, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng đã ra văn bản yêu cầu các chủ phương tiện tàu thủy di chuyển về vị trí neo đậu trước 12h ngày 6/9.
Ông Duy Phú, chủ Orchid Cruises với 5 du thuyền đang hoạt động tại vịnh Lan Hạ, cho biết đã quyết định hủy các tour ngủ đêm dự kiến khởi hành vào ngày 5/9 với khoảng 150 khách du lịch. Ông Phú chia sẻ rằng dựa trên kinh nghiệm làm nghề 40 năm và từ các thông tin dự báo thời tiết, ông đã quyết định cho các du thuyền tránh bão sớm. Các tour từ ngày 6/9 đến hết 7/9 cũng đã bị hủy, ước tính tổng số khách bị ảnh hưởng lên đến khoảng 450 người.
Du thuyền Mon Cheri, hoạt động trên vịnh Lan Hạ, cũng đã di chuyển về bờ trong ngày 5/9 để tránh bão. Đại diện của du thuyền cho biết, tác động của cơn bão được dự đoán là "có thể rất tồi tệ", do đó, họ không dám chủ quan trong việc đối phó với tình hình thời tiết nguy hiểm.
Dẫu vậy, một số du thuyền vẫn tiếp tục hoạt động trong trưa 5/9 do "bão chưa vào". Ông Minh An, chủ một du thuyền trên vịnh Lan Hạ, cho biết tàu của ông đã khởi hành với 20 khách ra vịnh và sẽ trở về trước 12h ngày 6/9 theo quy định. Ông cũng đã hủy tất cả các tour từ ngày 6/9 đến 8/9 và hoàn trả tiền cọc cho khách, chủ yếu là người nước ngoài có thời gian lưu trú tại Việt Nam ngắn hạn.
Ông Phạm Trí Tuyến - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải cho biết tính đến 11h ngày 5/9, còn khoảng 2.000 khách du lịch đang lưu trú tại đảo Cát Bà (Hải Phòng), phần lớn sẽ trở về đất liền trong chiều cùng ngày.
Tại Cô Tô, Quảng Ninh, tới sáng ngày 5/9, còn lại 10 khách du lịch và dự kiến họ cũng sẽ rời đảo trong buổi chiều. Trong khi đó, các tàu chở khách tham quan vịnh Hạ Long vẫn hoạt động bình thường trong ngày 5/9. Ông Duy Anh (chủ tàu) cho biết các tàu chỉ mất khoảng 30 phút để quay từ vịnh trở về bến.
Hầu hết các công ty lữ hành có lịch trình du lịch Hạ Long vào cuối tuần này đã thông báo với khách hàng về việc hoàn hủy hoặc thay đổi lịch trình. Công ty Cổ phần Truyền thông Du Lịch Việt, đơn vị có 23 khách từ TP. HCM dự kiến tham quan vịnh Hạ Long vào 7/9, cho biết sẽ đảo, thay đổi lịch trình tour Hà Nội - Quảng Ninh - Sa Pa để khách vẫn có thể tham quan vịnh Hạ Long, do đây là điểm nhấn chính của hành trình. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng, công ty sẽ buộc phải loại bỏ vịnh Hạ Long khỏi lịch trình, đồng thời đền bù tiền hoặc cung cấp điểm đến thay thế.
Công ty Best Price cũng gặp tình huống tương tự với gần 100 khách nước ngoài đã mua tour tham quan vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ từ ngày 7/9 đến 9/9. Hiện tại, công ty đang đàm phán với khách để tìm phương án phù hợp và sẽ trả lại tiền nếu khách không có đủ thời gian sắp xếp thay đổi lịch trình.
Vịnh Lan Hạ nằm ở phía đông đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng, liền kề với vịnh Hạ Long. Vịnh rộng trên 7000 ha, bao gồm khoảng 400 hòn đảo lớn nhỏ. Đây là một vùng biển thanh bình với những làng chài nhỏ. Khác với Hạ Long, tất cả đảo ở vịnh Lan Hạ đều được phủ đầy cây xanh hay thảm thực vật. Tháng 5/2020, Hiệp hội Câu lạc bộ các Vịnh đẹp nhất thế giới đã trao giấy chứng nhận Lan Hạ thuộc top vịnh đẹp nhất.
Trong khi đó, vịnh Hạ Long là điểm đến du lịch nổi tiếng hàng đầu Việt Nam. Vịnh biển này cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và là thành viên của Worldbays - Câu lạc bộ (CLB) những vịnh biển đẹp nhất thế giới.