Đóng góp 44 tỷ USD trong 5 năm
Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Trong đó, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%.
Trong số đó, lĩnh vực điện ảnh có xu hướng phát triển nhanh với giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp năm 2019 đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 178 triệu USD), phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng. Tại Việt Nam, khán giả trẻ chiếm đến 80%-90% thị phần khán giả xem phim, đây là tiềm năng lớn để phát triển điện ảnh nội địa.
Hướng tới mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP
Lĩnh vực du lịch ghi nhận những khởi sắc sau thời gian dài gián đoạn bởi dịch Covid-19. Đến năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ, khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng...
Các ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cũng có sự tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2018-2022. Riêng trong năm 2022, có tới khoảng 27.120 lao động đang làm việc trong lĩnh vực này; các chỉ số tăng đều qua các năm và chịu ít sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh.
Năm 2021-2022, cả nước có 2.669 họa sĩ, nhà điêu khắc và 2.456 nghệ sĩ nhiếp ảnh. Số lượng nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh khá lớn, trở thành là lượng quan trọng góp phần tạo ra các sản phẩm nghệ thuật sáng tạo.
Những lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp văn hóa như quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, xuất bản, thời trang, truyền hình và phát thanh, thủ công mỹ nghệ... cũng cho thấy sự khởi sắc trong những năm trở lại đây, khẳng định Nhà nước ta đang đi đúng hướng.
Trong số đó, nổi bật là doanh thu quảng cáo năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng doanh thu của thị trường quảng cáo Việt Nam đạt 12,7%, xếp thứ 2/11 quốc gia về tốc độ tăng trưởng. Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.
Đặt mục tiêu đóng góp 7% GDP
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết trong giai đoạn từ năm 2018-2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).
"So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu.
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ VHTT&DL cũng chỉ ra nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn mang tính dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng. Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nội dung, hình thức các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa thực sự khai thác được hết các đặc trưng văn hóa bản địa để tạo sự độc đáo, riêng có. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ...
Bộ VH,TT&DL hướng tới mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao, hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm như tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP.HCM và định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước (Quảng Ninh, Quảng Nam, Kiên Giang, Huế, Đà Lạt…).
Một số giải pháp được Bộ VHTT&DL đưa ra như: Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, "khơi thông" nguồn lực.
Lãnh đạo Bộ VHTT&DL cũng nêu giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…