Lễ khởi công nhà máy chế tác hương liệu của Hương Hương Tây tại khu công nghiệp Đông Nam, Củ Chi sáng 13/8/2018. (Ảnh: Ricky Hồ) |
Nhà máy của Hương Hương Tây được đầu tư 1,5 triệu USD, với 60% vốn đầu tư từ tập đoàn hương liệu hàng đầu thế giới Frutarom, Israel. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành sau sáu tháng với công suất ban đầu 2.000 tấn hương liệu, hương thơm mỗi năm.
Thị trường hương liệu Việt Nam có giá trị hơn 220 – 250 triệu USD/năm, với tỷ lệ phát triển tối thiểu 15 – 20% mỗi năm. Thế nhưng, thị trường này chỉ là sân chơi cho các tập đoàn lớn của nước ngoài. Các công ty Việt Nam phần lớn chỉ tham gia phân khúc nhập khẩu và mua đi bán lại. Một số công ty được chuyển giao bí quyết công nghệ của nước ngoài chỉ dừng lại ở khâu phối trộn, pha loãng mùi hương.
Số công ty đủ khả năng chế tác hương liệu và hương thơm theo yêu cầu của thị trường Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi đây là thị trường công nghệ cao đòi hỏi đầu tư tài chính và chất xám.
“Nhà máy mới của Hương Hương Tây giúp chúng tôi hoàn thành giấc mơ ấp ủ từ lâu. Đó là chế tác được mùi hương ngay tại Việt Nam và do những nhà tạo hương (flavourist) người Việt thực hiện”, Tổng Giám đốc Hương Hương Tây Nguyễn Thúy Phương phát biểu. “Ẩm thực Việt Nam có hương vị rất riêng mà chỉ có những nhà tạo hương người Việt mới điều chế được hương vị phù hợp với khẩu vị người Việt”, bà Phương nhấn mạnh.
Nhiều trường đại học Việt Nam có khoa công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng nhưng vẫn chưa có ngành chế tác hương liệu. Tại các nước khác, rất hiếm trường đại học có nghề chế tác hương. Các khóa đào tạo thường do các trường chuyên về mùi hương (flavourist school) hay nhà hương (flavour house) thực hiện. (Ảnh: Flavourist School) |
Hương liệu là phần không thể thiếu của ngành sản xuất thực phẩm, nước uống và nước giải khát. Khảo sát của Công ty UBM Asia cho thấy, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam trong những năm qua đã vượt 50%. Phát triển nhanh nhất là các nhóm cà phê, bánh kẹo, kem, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chế biến sẵn...
Các trường đại học Việt Nam dù có khoa công nghệ thực phẩm hay dinh dưỡng, nhưng vẫn chưa thể đào tạo được các nhà tạo hương (flavourist) cho thức ăn, đồ uống hay chuyên gia tạo hương (perfumer) cho mỹ phẩm như nước hoa, kem dưỡng da, dầu gội… “Chúng tôi sẽ hướng đến việc đào tạo các flavourist và perfumer người Việt tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Frutarom và các đối tác nước ngoài. Quá trình đào tạo một nhà tạo hương có khứu giác, vị giác đặc biệt nhạy cần quá trình dài, có khi hơn 10 năm”, bà Nguyễn Thúy Phương cho biết.
Ricky Hồ