Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM và Hội tin học TP.HCM ký kết đồng hành chuyển đổi số nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp |
Cụ thể, HUBA sẽ tiến hành chương trình chuyển đổi số với gói giải pháp thiết thực khi đồng hành cùng các hiệp hội, đơn vị về truyền thông trên địa bàn thành phố (TP). Theo đó Hiệp hội sẽ chính thức ra mắt Ban điều hành hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp và giới thiệu gói ứng dụng chuyển đổi số cơ bản: X-Starter (dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp) và X-SME (dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa) do các đơn vị uy tín lâu năm và là thành viên của Hội Tin học TP cung cấp.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA, với những bước khởi đầu vững chắc và được sự hỗ trợ mạnh mẽ, kịp thời của các cơ quan nhà nước và đặc biệt là các đối tác cung cấp dịch vụ uy tín và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ TP.HCM (DNVVN) sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi phù hợp với các hoạt động thực tế, qua đó nâng cao trình độ năng lực cạnh tranh trong bối cảnh vượt qua và phục hồi hậu dịch bệnh Covid-19.
Mục tiêu trong giai đoạn đầu của HUBA là hỗ trợ các DNNVV, chiếm hơn 98% doanh nghiệp cả nước. Theo đó có 8 nhóm ngành được chú trọng là khởi nghiệp, thương mại-dịch vụ, logistics, dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, bất động sản, bán lẻ, sản xuất và nhóm dịch vụ - lữ hành.
Nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng 92% lãnh đạo doanh nghiệp muốn phát triển các chiến lược chuyển đổi số hoàn chỉnh, đặc biệt là mục tiêu nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Vì thế nhận định của đại diện Công ty Sao Bắc Đẩu cho rằng chuyển đổi số là việc tích hợp công nghệ số vào tất cả các mặt hoạt động của doanh nghiệp. Về cơ bản thay đổi cách doanh nghiệp vận hành giúp tiết kiệm thời gian và giảm các khoản chi phí, đồng thời mang lại giá trị ngày càng cao cho khách hàng.
Mục tiêu của TP.HCM đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với sự thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, TP.HCM thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về Chính phủ điện tử tiếp tục đến năm 2030 đật 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số. |
Nguyễn Ngọc