HoREA “trấn an” khách hàng ở những dự án thế chấp ngân hàng

(NTD) - Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố thông tin về 77 dự án đang thế chấp ngân hàng đã có tác động tức thì đến thị trường bất động sản làm cho một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, theo HoREA, người tiêu dùng không nên quá lo.

77 dự án thế chấp 

Danh sách các dự án xây dựng nhà ở đang thế chấp tại ngân hàng tính đến ngày 8/6/2016 số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết có 77 dự án. Trong danh sách này, có nhiều dự án nhà ở lớn cũng như tên tuổi chủ đầu tư quen thuộc như: Công ty liên doanh TNHH Capitaland - Vista thế chấp dự án The Vista (quận 2); CTCP Đầu tư Nam Long thế chấp khu dân cư tại phường An Lạc (quận Bình Tân); Công ty địa ốc Hoàng Quân thế chấp dự án chung cư ở huyện Bình Chánh; CTCP Quốc Cường Gia Lai thế chấp khu dân cư 6B (huyện Bình Chánh); CTCP Tập đoàn SSG thế chấp dự án Saigon Pearl giai đoạn 3A (quận Bình Thạnh); CTCP SSG Văn Thánh thế chấp dự án SSG Tower (quận Bình Thạnh); CTCP Đầu tư IDICO thế chấp chung cư tại phường 25 (quận Bình Thạnh)...

Tại khu vực Q.2, nổi lên 2 dự án đình đám, trong đó kể tới như: Dự án La Astoria của CTCP Đầu tư Xây dựng An Gia Hưng thế chấp tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) - Sở Giao dịch TP.HCM từ ngày 3/11/2015. Khu dân cư Phường Bình Trưng Tây và Phường Bình Trưng Đông của CTCP Đầu tư Xây dựng An Gia Hưng thế chấp tại OCB - Sở Giao dịch Tp.HCM từ ngày 30/10/2015.

Hay tính riêng tại dự án Masteri Thảo Điền do CTCP Đầu tư Thảo Điền làm chủ đầu tư có 10 trường hợp, gồm cả người trong nước và nước ngoài đã thế chấp căn hộ tại Ngân hàng Thương mại Kỹ thương Việt Nam - Chi nhánh Sài Gòn từ năm 2015. Chẳng hạn trường hợp ông bà Chang Yin HSin - Phạm Thị Ánh Nguyệt đã cầm cố hai căn hộ T3-B12A-04 và T3-B12A-04 tại ngân hàng Indochina - chi nhánh Đồng Nai từ ngày 2/12/2015; Căn hộ T1-A05-02 của công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và vận tải Hoàng Nhân đã cầm tại Ngân hàng Bản Việt - chi nhánh TP.HCM từ ngày 11/11/2015.

Nhiều căn hộ tại dự án Masteri Thảo Điền đã bị cầm cố ngân hàng

Theo HoREA, hiện nay, TP.HCM có 584 dự án bất động sản đang triển khai thực hiện nhưng chỉ có 77 dự án đang thế chấp (chiếm 13,2%) điều này cho thấy phần lớn các dự án không thế chấp ngân hàng.

Cần nắm đầy đủ thông tin

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng, việc công bố này tuy trước mắt có thể ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của người mua nhà nhưng mục tiêu lớn hơn là góp phần minh bạch hóa thông tin thị trường bất động sản, qua đó bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan khi thực hiện các giao dịch về nhà ở, đồng thời tránh tình trạng mập mờ tính pháp lý của các dự án nhà ở.

Tương tự, đồng quan điểm trên ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cũng cho rằng việc công khai các dự án đang thế chấp đã cung cấp thông tin cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể có liên quan, góp phần xây dựng thị trường bất động sản ngày càng minh bạch hơn.

Tuy nhiên, theo ông Châu, thông tin về 77 dự án đang thế chấp ngân hàng đã có tác động tức thì đến thị trường bất động sản làm cho một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng, nhất là có người hiểu nhầm là dự án đã bị thế chấp đồng nhất với chủ đầu tư kém năng lực.

Người đứng đầu HoREA giải thích, việc chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện giải chấp là việc bình thường. Do đặc điểm hoạt động của thị trường bất động sản nước ta, các chủ đầu tư dự án phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động của khách hàng.

Đối với nguồn vốn tín dụng, các chủ đầu tư thường vay vốn để phát triển dự án, xây dựng công trình, nhà ở, thực hiện quy định về bảo lãnh ngân hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai... và thường lấy dự án, công trình đó để thế chấp ngân hàng. Đa số chủ đầu tư sử dụng vốn huy động đúng mục đích; nhưng cá biệt, cũng có chủ đầu tư sử dụng vốn huy động sai mục đích, đầu tư dàn trải, thậm chí tiêu dùng cá nhân dẫn đến không hoàn thành dự án, không bàn giao được nhà cho người mua, mất thanh khoản, gây ra nợ xấu gây thiệt hại cho khách hàng và làm cho người tiêu dùng mất lòng tin.

Đối với ngân hàng nhận thế chấp, đa số đều thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quản lý chặt chẽ, nhưng cũng có chi nhánh ngân hàng buông lỏng quản lý, thậm chí dễ dãi, dẫn đến chủ đầu tư sử dụng vốn vay sai mục đích. Do vậy, các ngân hàng thương mại cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm và có biện pháp giám sát việc chủ đầu tư sử dụng vốn vay tín dụng đúng mục đích, giám sát chặt chẽ tài sản thế chấp hình thành trong tương lai để bảo đảm thu hồi vốn vay.

HoREA phân tích theo quy định tại khoản 1 điều 147 Luật Nhà ở 2014, chủ đầu tư dự án đã bị thế chấp vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở của dự án với điều kiện phải được ngân hàng nhận thế chấp có văn bản chấp thuận. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, người mua nhà tại các dự án đã bị thế chấp ngân hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản của ngân hàng chấp thuận cho chủ đầu tư được bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai để huy động vốn.

Ngoài ra, để giúp cho người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà, HoREA đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khi công bố các dự án bất động sản, nhà ở đang thế chấp cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư như: để phát triển dự án; hoặc để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng...

Nguyên Vũ