Hậu quả quá khủng khiếp nhưng chưa bao giờ, chống hàng giả lại khó khăn như hiện nay. Khó từ lực lượng chức năng quá mỏng trong khi hàng nhái, giả có mặt ở khắp nơi, ở khắp lĩnh vực và ngày càng công khai. Khó từ hành lang pháp lý, khi cơ chế xử phạt không “ăn thua” gì với lợi nhuận mang lại từ việc làm hàng nhái, giả, nên sự liều lĩnh của các đối tượng này ngày càng tăng cao. Chỗ này bị phạt thì chạy tới chỗ kia bán tiếp, rút phép cơ sở này thì mở ra cơ sở khác; khó từ chính các DN bị nhái, giả thương hiệu.
Sau một thời gian dài chống thiếu hiệu quả, không ít DN cảm thấy chán nản vì bất lực. Thậm chí, rất nhiều DN sợ công khai chuyện sản phẩm của mình bị nhái, giả quá nhiều sẽ dẫn đến kết cục xấu hơn, đó là khách hàng ngưng mua luôn để tránh bị nhái, giả... Khó cả ở một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có tâm lý “né” hàng nhái, giả bằng cách nói không với các thương hiệu bị đánh cắp như nói trên. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng biết nhưng vẫn sử dụng hàng nhái, giả vì giá rẻ...
Nguyên nhân của tất cả những “cái khó” này bắt nguồn từ việc chúng ta đã để hàng nhái, hàng giả hoành hành quá lâu. Đã không ít quan chức cao cấp từ Chính phủ tới các bộ, ngành đã bức xúc thốt lên, không ở đâu mà hàng nhái, hàng giả bày bán công khai như ở Việt Nam. Chống hàng nhái, giả nghịch lý là càng làm lại càng nở rộ, càng chống càng tràn lan.
Tại sao vậy? Hãy nhìn lại quá trình “ứng xử” với hàng nhái giả nhiều năm qua để thấy rõ hơn nguyên nhân của việc này. Đó là không ít người vẫn nghĩ, chống hàng nhái, giả là chuyện của DN, họ phải là người giữ vai trò chủ đạo; có người lại đẩy bóng sang chân người mua khi kêu gọi họ “hãy làm người tiêu dùng thông minh”; có người lại cho rằng đây là nhiệm vụ của cơ quan chức năng... Tất cả các ý kiến này không sai nhưng lại chưa đúng và đủ.
Vấn nạn hàng nhái, giả đã được ví như một đại dịch, là căn bệnh ung thư đang di căn, ăn mòn sức khỏe DN, giết chết nền kinh tế thì để chống nó, cần phải có sự phối hợp đồng bộ của tất cả xã hội, phải huy động được đầy đủ lực lượng để đánh tổng lực, phải xác định đó là chiến dịch lâu dài chứ không chỉ ào lên như một phong trào rồi lắng xuống; phải có những chế tài đủ mạnh, phải xử lý hình sự mới đủ sức đe. Nói một cách đơn giản thì bệnh nào phải thuốc nấy, thuốc phải mạnh hơn thì mới trị dứt bệnh.
Hàng nhái, giả là vi phạm pháp luật, là gian lận thương mại, có lý gì chúng ta lại chịu thua trước các hành vi gian dối, vi phạm? Chúng ta vẫn ước mơ xây dựng những thương hiệu mà khi nhắc tới, thế giới sẽ biết đó là Việt Nam, như Sony của Nhật, Samsung của Hàn Quốc... Muốn như vậy, phải quyết liệt dẹp nạn hàng nhái, giả đang “nhè” vào các thương hiệu uy tín nhất mà trục lợi, làm ảnh hưởng uy tín, gây mất lòng tin với người tiêu dùng. Hãy bắt đầu bảo vệ uy tín thương hiệu ngay tại thị trường nội địa, trước khi nói tới chuyện đi xa.
Thanh Niên