Thời gian vừa qua, người tiêu dùng Việt Nam cũng như người tiêu dùng quốc tế đang rất quan tâm đến trường hợp anh Phạm Văn Thoại - du khách người Việt Nam bị lừa mất 550 đô la Singapore khi mua iPhone 6 tại Sim Lim Square. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – PCT Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra một vài nhận định liên quan đến vấn đề này.
Thưa ông, trong thời gian qua, vụ việc anh Phạm Văn Thoại du khách người Việt Nam bị lừa mất 550 đô la Singapore khi mua iPhone 6 tại Sim Lim Square đang rất được quan tâm. Điều đặc biệt nhất là một cá nhân đã đứng ra với thiện ý muốn đền bù lại cho anh Thoại số tiền mà anh đã bị mất, cộng đồng người tiêu dùng Singapore cũng quyên góp được số tiền gấp ba lần số tiền mà ban đầu anh đã bỏ ra để đền bù lại cho anh. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Hành động của cá nhân một chủ doanh nghiệp tại Singapore nói riêng và cộng đồng người tiêu dùng Singapore nói chung là một hình ảnh rất đẹp. Chính những việc làm, hành động của họ trong sự việc xảy ra lần này đã cho thấy hình ảnh của đất nước Singapore được người dân bảo về ra sao. Singapore là một đất nước đang phát triển, và hình ảnh của họ sau việc này càng trở nên đẹp hơn trong mắt khách du lịch quốc tế.
Việc anh Phạm Văn Thoại đi mua điện thoại và bị lừa mất thêm số tiền bảo hành do không thông thạo tiếng không phải là chuyện hiếm gặp. Không chỉ riêng ở Singapore mà ở các nước khác đều có thể xảy ra trường hợp này. Tuy nhiên, hành động của các cá nhân cũng như cộng đồng người tiêu dùng Singapore thì không phải ở quốc gia nào cũng có. Chính vì vậy, đây chính là một việc làm rất đáng biểu dương vì lợi ích và ý nghĩa bảo vệ người tiêu dùng nói chung.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam |
Vậy thưa ông, nếu trường hợp anh Thoại là công dân nước ngoài tới Việt Nam du lịch và gặp trường hợp như trên, là đại diện của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Hội sẽ có cách xử lý thế nào để bảo vệ được người tiêu dùng?
Ở Việt Nam, chúng ta không phân biệt quốc tịch, dù là người tiêu dùng Việt Nam, hay người tiêu dùng quốc tế, dù sinh sống ở Việt Nam đã lâu hay là chỉ sang du lịch trong thời gian ngắn. Nếu có bất kì sự xâm phạm về quyền và lợi ích của người tiêu dùng, Hội sẽ có những hành động và những phương án giải quyết đê bảo vệ người tiêu dùng một cách tốt nhất có thể.
Tuy nhiên, Hội hay bất kì ai cũng không thể bắt buộc được một cá nhân, tổ chức hay cộng đồng người tiêu dùng có những hành động như hành động của người tiêu dùng Singapore. Hội chỉ có thể đảm bảo tiếp nhận và giải quyết tất cả các trường hợp người tiêu dùng là người Việt Nam hay người nước ngoài sẽ đều được bảo vệ lợi ích và quyền lợi giống như nhau.
Sau trường hợp của anh Phạm Văn Thoại, ông có lời khuyên nào dành cho người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng Việt Nam nói riêng?
Trước khi đi đến một đất nước nào đó để du lịch hay làm việc, người dân nên tìm hiểu kĩ về văn hóa, phong tục tập quán và những địa điểm mà mình sẽ ghé thăm. Việc bất đồng ngôn ngữ cũng là một trở ngại khá lớn.
Đối với việc người tiêu dùng bị lừa đảo ngay trên chính đất nước của mình còn có thể xảy ra chứ đừng nói đến người nước ngoài, lại không thông thạo tiếng địa phương, không am hiểu thông tin về địa điểm nơi mình tới, sản phẩm mình muốn mua, doanh nghiệp mình có ý định hợp tác thì chuyện bị lừa là rất dễ xảy ra.
Người tiêu dùng nên hợp tác, mua bán với các cửa hàng, doanh nghiệp chính thông, nhà nước, nếu là tư nhân thì nên là các cơ sở có tiếng, tránh mua bán hàng hóa, nhất là những hàng hóa có giá trị cao tại những của hàng không chính thống, “ngoài luồng” để tránh trường hợp bị lừa đảo do không thông thạo tiếng bản địa.
Vì vậy, trước khi sang một đất nước khác để du lịch, mua sắm, người tiêu dùng nên tìm hiểu kĩ thông tin về đất nước đó, về những địa chỉ cửa hàng uy tín có bán những sản phẩm mà mình muốn mua để tránh trường hợp bị lừa đảo hoặc xâm phạm quyền lợi cũng như lợi ích của người tiêu dùng.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
San San (thực hiện)