Tối 22/1 (25 tháng chạp) dòng người từ khắp nơi ùn ùn đổ về Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng để tham quan, mua sắm tết.
Khu trang trí cảnh quan thu hút người dân tham quan, chụp ảnh (Ảnh: Võ Nguyễn) |
Theo ghi nhận của phóng viên (PV), tại khu vực trang trí cảnh quan dọc Hồ Bán Nguyệt, người dân tập trung tham quan, chụp ảnh rất đông. Ngoài ra, tại khu vực mua sắm hàng tiêu dùng, nhiều gian hàng mở bán giảm giá, khuyến mãi các mặt hàng tiêu dùng thu hút đông đảo người dân.
Khách hàng tham quan mua sắm tại khu hàng tiêu dùng và ẩm thực (Ảnh: Võ Nguyễn) |
Trong khi đó, dù được bố trí một không gian rộng lớn hàng chục ngàn mét vuông nhưng các gian hàng bán hoa, cây kiểng… rất thưa người. Nhiều chủ gian hàng, lộ rõ sự mệt mỏi, bất mãn vì không bán được chậu hoa, kiểng nào dù hội chợ đã trải qua được 2 ngày.
Thế nhưng, khu bán hoa kiểng lại thưa thớt người (Ảnh: Võ Nguyễn) |
Ông Hùng Việt (Vườn hoa Chân Phương, H.Tân Châu – An Giang) tham gia hội chợ buồn bã tâm sự: “Qua nay 2 ngày rồi mà mình bán mới được có 1 chậu, mấy trăm ngàn. Mà hết hôm nay đã bước qua 26 Tết có còn được mấy ngày nữa đâu, cứ tình trạng này là chết. Thật ra người ta đi chợ hoa rất đông nhưng không có mua hoa, chỉ toàn mua sắm với chụp hình ở phía bên kia thôi nên mình cũng khổ!”.
Người bán, ngồi buồn bã giữa rừng hoa bởi tình hình buôn bán quá khó khăn (Ảnh: Võ Nguyễn) |
“Hôm vừa rồi trúng đợt mưa, mai nở sớm mình đâu còn được mấy cây đâu, đem lên đây bán mà cũng bán không được, năm nay coi như mất trắng. Biết là mai để lâu bán nhiều tiền nhưng mình là người kinh doanh chứ có phải dân chơi kiểng đâu, không bán lấy gì ăn?” - anh Tiến, người phụ bán hoa nói thêm.
Dù buôn bán không suôn sẻ nhưng tại các gian hàng hoa kiểng, người nông dân vẫn cố chăm sóc cây với hy vọng thay đổi tình thế (Ảnh: Võ Nguyễn) |
Cùng cảnh ngộ với vườn hoa Chân Phương, vườn hoa kiểng Tân Thiềng (H.Chợ Lách - Bến Tre) tham gia Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng cũng gặp cảnh “bán không người mua”. Chị Nhẫn, người trông coi gian hàng cho biết, chị cũng gặp trúng đợt mai nở sớm vừa qua nên thất thu rất nhiều. Cố gắng sắp xếp vận chuyển lên đây tham gia hội chợ nhưng cứ kiểu ngày bán 1-2 chậu thì không đủ chi phí chứ chưa nói đến chuyện lợi nhuận.
Chị Nhẫn nói: “Mấy gốc mai này nó lớn lắm, mình phải dùng xe cẩu rồi xe tải mới vận chuyển lên được tới đây, vì vậy chi phí là rất cao. Mất mùa, tăng chi phí, bán giá rẻ mà lại chẳng có ai mua thì tết này nghỉ ăn tết” - chị Nhẫn nói đầy lo lắng.
Võ Nguyễn