Hỏi - Đáp Sức khỏe: Chăm sóc và xử lý khi trẻ bị say nắng trong mùa nắng nóng

(NTD) - Những ngày hè nắng nóng, trời rất oi bức, khiến cơ thể mau mệt mỏi. Làm thế nào để chăm sóc và xử lý các trường hợp người bị say nắng, hay trúng nắng, trong mùa nóng? Chúng tôi đã trao đổi bác sĩ Hoàng Ngọc Quý, Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Trẻ cần uống đủ nước từ 1 - 2 lít mỗi ngày trong mùa nắng nóng, đặc biệt là khi chơi thể thao dưới trời nắng gắt. (Ảnh: Medicine Magazine)

BSCK 2 Hoàng Ngọc Quý trả lời: 

Để đối phó với nắng nóng, cơ thể tăng bài tiết mồ hôi làm mát cơ thể, do đó cơ thể bị mất nước, cần phải uống thêm nhiều nước bổ sung cho cơ thể.

Ở ngoài trời nắng nóng, dễ bị say nắng và nóng, cơ thể mệt lả, có thể ngất xỉu, sốt cao, bỏng da…

Các bé cũng hay bị bệnh đường ruột do thực phẩm không được bảo quản tốt, uống nước đá và các nước giải khát tự pha chế bán không đảm bảo vệ sinh…

Chăm sóc và dự phòng:

- Hạn chế các hoạt động: Tham quan học tập, sinh hoạt ngoại khóa, vui chơi ngoài trời: ở nơi không có mái che, không có chỗ trú nắng, nghỉ trưa…

- Hạn chế tập thể dục, thi đấu các môn thể thao ngoài trời có tính đối kháng như đá banh, chạy tốc độ… từ 10h sáng đến 16h chiều.

Nếu có điều kiện: Tập trong các phòng tập có mái che, có hệ thống làm mát… hoặc chuyển sang tập và thi đấu buổi sáng sớm hoặc chiều tối.

Nếu không có phòng tập và thời gian tập thích hợp: Nên chuyển sang các môn thể thao ít vận động chân tay như cờ tướng, cờ vua, cờ vây…

- Cho trẻ uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể, không được nhịn uống nước…

Trung bình trẻ uống nước: > 30ml/kg (ban ngày).

Như vậy: một trẻ 30 kg, đi học bán trú cả ngày, sẽ uống gần 1 lít nước. Lớp học 45 trẻ, nhà trường phải cung cấp mỗi lớp 2 bình nước 20L mỗi ngày.

- Nhà trường cần cung cấp đầy đủ nước uống cho học sinh. Và cha mẹ cũng nên tự trang bị cho mỗi cháu một bình nước mang theo đi học.

- Nước khoáng đóng chai, nước chanh, nước cam chế biến hợp vệ sinh đều là nguồn nước uống bổ dưỡng, cung cấp muối khoáng, Kali, vitamin C

- Ăn uống hợp vệ sinh phòng tránh bệnh đường ruột: Thực phẩm được bảo quản lạnh thích hợp, ăn ngay sau chế biến…

- Ăn nhiều rau quả, trái cây: Cung cấp Kali và vitamin C…

- Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ khó tiêu nặng bụng và nhiều gia vị như tỏi, hành… mồ hôi có mùi

- Nên có: Mũ nón, quần áo chống nắng khi đi ngoài đường nhằm hạn chế nắng chiếu trực tiếp vào da gây bỏng da, hư da…

- Nên: Trú mát, trú bóng râm cây ngay khi có thể (lưu ý: An toàn giao thông khi chạy xe ngoài đường, tránh dừng đột ngột)

Xử lý người bị say nắng:

- Đưa ngay vào nơi thoáng mát, tránh bu quanh đông người.

- Cho uống nước chậm rãi,nước lọc, nước khoáng, nước chanh muối, chanh đường…đều tốt.

- Cởi bớt áo chống nắng bên ngoài nếu mặc nhiều áo.

- Lau mồ hôi và lau mát cơ thể.

- Chuyển vào bệnh viện gần nhất nếu người đó bị sốt cao, ngất, chân tay lạnh, da xanh xao, môi tái nhợt, co giật…

Chúc mọi người vui khỏe trong mùa hè!

Luyến Thương (thực hiện)

Nên đọc