Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam giai đoạn 2010-2015

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhiệm vụ quan trọng và là thế mạnh đặc biệt của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ hoạt động trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.

 

Ông Trần Việt Hùng, phó chủ tịch LHHVN, chủ trì Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật thủ đô

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam được nêu lên lần đầu tiên tại Chỉ thị 35-CT/TW ngày 11/4/1988 của Ban Bí thư Trung ương (khóa VI) và sau đó liên tiếp và nhất quán tại Chỉ thị 45-CT/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị  (khoá VIII), Thông báo 145-TB/TW ngày 9/7/2004 của Ban Bí thư Trung ương (khoá IX), Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết 27 NQ/TW về việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, Chỉ thị 42 –CT/TW ngày 16 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Thông báo 353 của Ban Bí thư vể việc triển khai Chỉ thị 42-CT/TW.

Các văn bản trên đều xác nhận vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV,PB&GĐXH) của Liên hiệp hội Việt Nam như là một chức năng chính, là cơ sở để xây dựng các cơ chế chính sách về hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam. Đặc biệt tại Chỉ thị 42 đã quy định rõ nhiệm vụ cho Liên hiệp Hội Việt Nam:  Đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức v.v.  Chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chương trình, dự án, đề án lớn về phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, kinh tế - xã hội trước khi cấp có thẩm quyền quyết định”. 

Ngoài quy định của Đảng, Chính phủ đã thể chế bằng các quy định: Thông báo 115/TB ngày 20/11/1992 của Văn phòng Chính phủ, Chỉ thị 14/2000/CT-TTg ngày 01/8/2000 và Quyết định 22/2000/QĐ-TTg ngày 30/01/2002, Quyết định 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định 22 là những văn bản đề cập đến hoạt động tư vấn, phản biện và giảm định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ VI, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực vận động chính sách, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo điều kiện để trí thức tham gia góp ý kiến có chất lượng cao về những vấn đề hệ trọng liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về KH&CN, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức.

Từ năm 2010 đến 2015, Liên hiệp Hội Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Liên hiệp Hội đã đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, dự án luật quan trọng của Đảng và Nhà nước, các dự án đầu tư trọng điểm ảnh hưởng lớn đến xã hội, bao gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Thủ đô; Luật việc làm; Luật bảo vệ môi trường; Dự án “đường sắt cao tốc Bắc - Nam”; Đề án “Quy hoạch thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050”; Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; Đề án “đổi mới cơ chế giáo dục”; phản biện Dự án “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2020 có xét đến năm 2030” do Bộ Công thương chủ trì; tư vấn phản biện về việc sử dụng Amiang trong sản xuất vật liệu xây dựng,..

Ngoài ra, Liên hiệp Hội Việt Nam còn tham gia góp ý cho rất nhiều dự thảo văn bản quan trọng khác như Dự thảo về việc gia nhập Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phê chuẩn phần sửa đổi; Dự thảo “Quy định về trao đổi, đối thoại lý luận chính trị”; Dự thảo “Đề án nghiên cứu Hội quần chúng”; Dự thảo “Quy định tạm thời về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị”; Dự thảo Nghị định Quỹ KH&CN quốc gia; Dự thảo Nghị định sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp; Dự thảo Quy chế diễn đàn khoa học của trí thức; tư vấn phản biện về phát triển nguồn nhân lực KH&CN phục vụ CNH, HĐH trong điều kiện dân số vàng ở Việt Nam...

Cùng với Liên hiệp Hội Việt Nam, các Hội ngành toàn quốc đã thực hiện nhiều hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các dự án kinh tế - xã hội quan trọng của ngành cũng như của đất nước. Cụ thể: Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực kinh tế - xã hội về thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, đánh giá nền kinh tế Việt Nam sau ba mươi năm đổi mới. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam góp ý cho Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, tư vấn phản biện đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, hệ thống chỉ tiêu thống kê môi trường và phát triển bền vững, chương trình  mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng hội Cơ khí Việt Nam tư vấn, phản biện sửa đổi Luật điện lực, Luật đầu tư sửa đổi, Luật đấu thầu sửa đổi, Luật thuế VAT. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam góp ý cho Luật bảo vệ người tiêu dùng, về giá sữa và cách điều hành giá sữa ở Việt Nam. Tổng hội Y học Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam đã thực hiện góp ý cho Luật bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân, Luật phòng chống thuốc lá, Luật phòng chống bia rượu, Luật khám chữa bệnh...

Hoạt động tham mưu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội địa phương và các hội thành viên ở địa phương trong 5 năm 2010-2015 đang được triển khai mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, đạt được nhiều thành tích có ý nghĩa đối với đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, hầu hết các Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố đều đã tham gia thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội với hàng trăm dự án của địa phương và đã có những đóng góp thiết thực trong công tác tham mưu, tư vấn, phản biện với tỉnh ủy, ủy ban nhân dân về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh và triển khai những dự án lớn của địa phương, đóng góp nhiều ý kiến giúp cho các cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời triển khai cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

Tại nhiệm kỳ VI, Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đã cử nhiều chuyên gia tham dự các đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội về một số đề án, dự án quan trọng thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Quốc hội.

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, đáng tin cậy giúp  lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến KH&CN.

 (Nguồn: Dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khóa VI (nhiệm kì 2010-2015) và phương hướng, nhiệm vụ khóa VII)

Một số hình ảnh về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam giai đoạn 2010 -2015

Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật việc làm tại cơ quan LHHVN

Ông Lê Công Lương, chánh văn phòng LHHVN trình bày tham luận tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Quang cảnh tại buổi Hội thảo quốc tế Mê Công và đập thủy điện do LHHVN chủ trì, 2012

 Thanh Tùng - Trần Nhung Ảnh : Phong Vũ

Nên đọc