Hoạt động quản lý chất thải rắn ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn

(NTD) - Chất thải rắn đô thị ở Việt Nam ngày càng gia tăng, song hoạt động quản lý chất thải rắn (CTR) đô thị tại nhiều địa phương vẫn chưa đồng bộ và gặp nhiều khó khăn ở khâu thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

Ngày 10/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam phối hợp cùng quỹ Châu Á đã tổ chức hội thảo khoa học "Đánh giá hoạt động quản lý chất thải rắn đô thị tại Việt Nam - Tiếp cận theo phương pháp cấu trúc thị trường".

Tại hội thảo, đánh giá về thị trường quản lý CTR đô thị ở Việt Nam, Viện Nghiện cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay, hệ thống cơ quan Nhà nước liên quan đến quản lý CTR đô thị vẫn chưa thống nhất: CTR công nghiệp do Bộ Công thương quản lý và Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, CTR đô thị do Bộ Xây dựng quản lý, CTR y tế quản lý…

PGS. TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính cho ví dụ về vấn đế này, ông cho biết, việc quản lý CTR ở Hà Nội do sở Xây dựng đảm nhận trách nhiệm chính còn sở Tài nguyên và Môi trường chỉ là phụ, trong khi đó ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm vụ này lại do sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm.

“Việc không thống nhất trong hệ thống quản lý như trên dẫn tới những khó khăn nhất định trong việc tập hợp số liệu hằng năm về số lượng CTR ở các đô thị tại Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp tham gia cũng như những số liệu liên quan…” ông Cường chia sẻ.

Hoạt động quản lý chất thải rắn đô thị ở Việt Nam được VEPR báo cáo tại hội thảo khoa học 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gặp khó khăn trong vấn đề phân loại rác tại nguồn do người dân thường bán CTR cho người thu mua phế liệu, thay vì phân loại cho cơ quan thu gom. Mức chi tiêu cho thu gom CTR còn quá thấp. So với các đô thị trên thế giới, phí thu gom CTR tại các đô thị của Việt Nam còn quá thấp, chỉ chiếm khoảng 0,1% thu nhập hộ gia đình so với mức trung bình thế giới vào khoảng 1% thu nhập hộ gia đình.

Chi tiêu cho thu gom CTR ở VN khoảng 0,12% trong đó ở thế giới mức phí thu gom CTR trung bình khoảng 0,98%. Do chi phí thấp nên hiệu quả trong công tác thu gom vẫn chưa được đảm bảo. Vẫn còn nhiều nơi để rác thải tự phân hủy…

Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng đề ra một số giải pháp như cấu trúc thị trường các phân đoạn thu gom, vận chuyển và xử lý CTR nên tập trung vào một số doanh nghiệp (khuyến khích sự tham gia của tư nhân) để tăng khả năng giám sát tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ; Chính phủ nên tăng mức phí thu vệ sinh môi trường để các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư trang thiết bị xử lý rác thải.

Mọi thông tin mới nhất bạn đọc xem tại đây.

H.Nam

Nên đọc