Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 1995 chỉ có 237 Trung tâm thông tin tổ chức phi chính phủ (VNGO) đăng ký hoạt động theo Luật KH&CN thì đến năm 2014, đã có 1192 tổ chức, trong đó có 625 trực thuộc các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, xã hội- nghề nghiệp, số còn lại thuộc các Bộ, ngành; các trường Đại học, cao đẳng hoặc các doanh nghiệp.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và các Hội thành viên đã tiên phong trong việc hỗ trợ thành lập và hoạt động cho gần 400 tổ chức trực thuộc, ngoài ra còn có gần 300 tổ chức trực thuộc các tổ chức thành viên (Hội ngành toàn quốc và các Liên hiệp Hội địa phương). Hiện VUSTA là tổ chức có hệ thống các tổ chức Hội, các tổ chức phi chính phủ rộng lớn nhất trong cả nước. Ngoài các tổ chức VNGO, còn có khoảng 450 Hội có phạm vi hoạt động trong cả nước và hàng vạn Hội hoạt động ở cấp tỉnh và huyện...
Tuy các tổ chức Hội, các tổ chức phi chính phủ đã rất nỗ lực và có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực: xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng chống HIV- AIDS...huy động nguồn lực quốc tế cũng là những thành công của khu vực này, song những gì mà khu vực này làm được chưa tương xứng với tiềm năng; những rào cản và khó khăn phải kể đến đó là: quy mô tổ chức còn nhỏ lẻ, năng lực hạn chế, chủ yếu tập trung ở người đứng đầu; sự gắn kết và chia sẻ thông tin giữa các VNGO và các đối tác còn nhiều hạn chế. Ngoài những hạn chế về chủ quan, phải kể đến những rào cản về cơ chế chính sách đã cản trở việc thành lập cũng như hoạt động của các tổ chức Hội, Quỹ, tổ chức NGO, các tổ chức cộng đồng. Thực tế hiện nay vẫn chưa có cơ chế tài chính rõ ràng để các Hội, các VNGO tiếp cận với nguồn ngân sách Nhà nước trong việc triển khai các dịch vụ công.
Để khắc phục những hạn chế trên, với mục đích nâng cao hình ảnh, năng lực và vận động chính sách nhằm phát triển khu vực các tổ chức phi lợi nhuận, ngày 15/01/2013, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã Quyết định thành lập Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi Chính phủ (gọi tắt là NGO-IC) và ngày 30/01/2013, Bộ khoa học và công nghệ đã cấp đăng, ký hoạt động cho Trung tâm. Sau hơn 2 năm hoạt động Trung tâm đã huy động được tham gia của các chuyên gia, các tổ chức Hội, các VNGO, kết nối được với các Bộ ngành, các cơ quan của Quốc hội, các đối tác và đã thu được các kết quả rất đáng khích lệ như: Xây dựng cơ sở dữ liệu VNGO, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia và vận động chính sách cấm sử dụng Amiang ở Việt Nam vào năm 2020.
Ngay từ những ngày đầu thành lập NGO-IC đã đặt nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu VNGO lên hàng đầu và trước mắt cập nhật cở sở dữ liệu VNGO trong hệ thống VUSTA: bao gồm 77 Hội ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp các Hội KHKT địa phương, 382 đơn vị trực thuộc. Ngoài ra NGO-IC đang xây dựng cơ sở dữ liệu về các mạng lưới VNGO. Trong thời gian tới, khu vực các VNGO ngoài VUSTA cũng sẽ được cập nhật thành cơ sở dữ liệu của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và sẽ được cung cấp, chia sẻ thông tin trong hệ thống và với các đối tác.
Thực hiện quyết định 22/2002/QĐ/TTg và tiếp theo là Quyết định 14/2014/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã giao cho NGO-IC xây dựng ngân hàng dữ liệu chuyên gia. Năm 2013, NGO-IC triển khai giai đoạn thử nghiệm xây dựng ngân hàng dữ liệu chuyên gia (với sự hỗ trợ của dự án CARE – VUSTA), phiếu đăng ký chuyên gia và phần mềm quản lý đã được xây dựng trong giai đoạn này. Năm 2014, với sự hỗ trợ của VUSTA, dự án CARE – VUSTA và Quỹ TCF, NGO-IC đã tổ chức Hội thảo với sự tham gia của 90 đại biểu. Hội thảo do VUSTA và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Quốc hội chủ trì và đã thống nhất Kế hoạch xây dựng ngân hàng dữ liệu chuyên gia qua 03 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1 (2013-6/2014): thử nghiệmGiai đoạn 2 (7/2014-6/2015): 500 chuyên giaGiai đoạn 3 (7/2015-6/2016): 1000 chuyên gia
Ngân hàng dữ liệu chuyên gia sẽ kết nối được với những cơ quan Chính phủ - Quốc hội, các tổ chức xã hội, các đối tác.
Tính đến tháng 12/2014, đã có 346 chuyên gia đến từ 30 Hội; 15 Liên hiệp Hội địa phương và các tổ chức VNGO, các chuyên gia độc lập đăng ký tham gia Ngân hàng dữ liệu chuyên gia và kết nối được chuyên gia với 20 tổ chức; NGOIC đã xây dựng được cơ chế kết nối với chuyên gia, xây dựng được tờ rơi truyền thông và phát triển ngân hàng dữ liệu chuyên gia
Xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ và cơ chế chính sách là hợp phần quan trọng không thể thiếu trong cơ sở dữ liệu VNGO. Từ tháng 11/2014, NGO-IC đã thử nghiệm xây dựng bản tin hàng ngày về hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ (VNGO). Các thông tin này được lấy từ các cơ quan truyền thông đưa tin về hoạt động của VNGO và đã được biên tập lại.
Tháng 1/2015, bản tin này đã được chuyển tới một số tổ chức phi Chính phủ và chuyển lên địa chỉ website: http://www.ngoic.vn của Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ.
Thông tin về chính sách như: Quy định về thành lập Quỹ, Hội, tổ chức VNGO; Quy định về tiếp nhận viện trợ không hoàn lại ODA; Chính sách liên quan: Bảo hiểm Y tế, Amiăng… đã được cập nhật lên website của NGO-IC: ngoic.vn
Hoạt động vận động chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của VNGO được NGO-IC coi là nhiệm vụ trọng tâm. Đóng góp vào dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 08/2014/NĐ-CP của Bộ Khoa học và Công nghệ; Chuyên gia của NGO-IC (PGS.TS Hồ Uy Liêm, BS Đỗ Thị Vân, TS Trần Đức Chính) góp ý vào dự thảo Nghị định bổ sung và sửa đổi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP; Tham luận trong hội thảo: chia sẻ kinh nghiệm trong vận động chính sách đối với Luật về Hội năm 2015-2016 của VUSTA (PGS.TS Hồ Uy Liêm, BS Đỗ Thị Vân);
Vận động chính sách về cấm sử dụng Amiang vào năm 2020, Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam, Hội Hóa học Việt Nam, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên minh Vận động chính sách y tế thành lập ra mạng lưới cấm sử dụng amiăng tại Việt Nam (gọi tắt là Vn-BAN).
Hoạt động tư vấn, kết nối với các tổ chức phi Chính phủ và các đối tác cũng được NGO-IC triển khai thường xuyên như: Tư vấn, hỗ trợ cho việc thành lập và hoạt động của các VNGO; Giới thiệu chuyên gia cho các đối tác; Tham gia các Hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các sự kiện do các tổ chức phi Chính phủ Việt Nam và các đối tác tổ chức.
Vận động tạo nguồn lực là nhiệm vụ không thể thiếu được đối với các tổ chức phi chính phủ. NGO-IC đã chủ động xây dựng các đề xuất gửi các nhà tài trợ; ngoài ra NGO-IC còn huy động sự đóng góp của các tổ chức cá nhân để phát triển trung tâm:
Xây dựng đề án về tăng cường kết nối thông tin giữa tổ chức phi Chính phủ và các đối tác vì mục tiêu phát triển. Trung tâm Thông tin Tổ chức phi Chính phủ đã tập hợp một nhóm chuyên gia để xây dựng đề xuất dự án gửi các nhà tài trợ. Đề xuất này được gửi cho IRISH AIDXây dựng đề xuất gửi PARAFF “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng tại ba xã ven biển thuộc ba huyện của tỉnh Quảng Ninh trong việc tham vấn Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo”Xây dựng đề xuất nhiệm vụ gửi VUSTA: Hội thảo về Amiang, xây dựng Ngân hàng dữ liệu chuyên gia; Tư vấn, phản biện và giám định xã hội Luật an toàn thực phẩmXây dựng đề xuất gửi Tổ chức nhân dân vì Y tế, Giáo dục và phát triển hải ngoại Australia (APHEDA)Trung tâm chủ động gặp gỡ một số tổ chức quốc tế, nhà tài trợ tiềm năngXây dựng đề xuất dự án với tổ chức Bánh mỳ thế giới “Tăng cường năng lực cho các tổ chức phi chính phủ Việt Nam”Huy động nguồn tài chính từ các tổ chức, cá nhân: Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ hỗ trợ xây dựng Ngân hàng dữ liệu chuyên gia; Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền hỗ trợ máy tính và máy in; Cá nhân TS Lê Xuân Thảo hỗ trợ mua trang thiết bị làm việc; Ban sáng lập Quỹ TCF hỗ trợ cho Hội thảo Xây dựng Ngân hàng dữ liệu chuyên gia.
Phương hướng hoạt động trong giai đoạn 2015-2017, NGO-IC tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của các tổ chức phi Chính phủ Việt Nam (VNGO) thông qua tạo dựng hình ảnh và xây dựng cơ sở dữ liệu về các tổ chức phi Chính phủ Việt Nam: Đẩy mạnh việc hoàn thành cơ sở dữ liệu tổ chức và hoạt động của các VNGO trong năm 2015-2016, cập nhật thông tin tổ chức 06 tháng/lần; Cập nhật thông tin về Chính sách liên quan đến VNGO; Tiếp tục hoàn thiện bản tin hàng ngày về hoạt động của VNGO và phát huy sáng kiến cung cấp thông tin hoạt động tổ chức cho NGO-IC để làm nguồn tin này được cập nhật và phong phú; Giới thiệu mô hình hoạt động hiệu quả VNGO trên website ngoic.vn trong các lĩnh vực khác nhau để chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao vị thế, nhận thức về các VNGO.
Nâng cao năng lực các tổ chức phi Chính phủ Việt Nam thông qua các hoạt động chia sẻ thông tin: Tổ chức tọa đàm xác định tiêu chí đánh giá tổ chức, góp phần nâng cao năng lực cho các VNGO; Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, kết nối VNGO thông qua các gói dịch vụ; Tổ chức Hội thảo thường niên của các VNGO.
Hoạt động vận động chính sách: Tham gia đóng góp, cho dự thảo Luật về Hội; tiếp tục vận động chính sách cấm sử dụng Amiang ở Việt Nam vào năm 2020; Tiếp tục, phát triển ngân hàng dữ liệu chuyên gia và cung cấp chuyên gia cho các cơ quan xây dựng chính sách, đặc biệt là những cơ quan đã có văn bản hợp tác với VUSTA: Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ủy ban Pháp luật - Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Quốc hội, Ủy ban các vấn đề xã hội - Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các Bộ ngành.
Củng cố tổ chức: Bổ sung nhân sự điều phối hoạt động của mạng lưới cấm sử dụng Amiang tại Việt Nam (Vn-BAN); Hoàn thiện mô hình tổ chức và các văn bản quản trị nội bộ: Quy chế quản lý tài chính, Quy chế tuyển dụng cán bộ, Quy chế hoạt động của Văn phòng Trung tâm Thông tin Tổ chức phi Chính phủ,…
Đẩy mạnh hoạt động tài chính và gây quỹ: Hoàn thiện đề xuất gửi Tổ chức Bánh mỳ thế giới “Tăng cường năng lực các tổ chức phi chính phủ Việt Nam”; Tiếp cận với một số nhà tài trợ tiềm năng: Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc về Dự án Xây dựng Ngân hàng dữ liệu chuyên gia; Quỹ Châu Á
Tiếp tục vận động tài chính cho vận động chính sách về Amiăng: tổ chức Oxfam, Tổ chức nhân dân vì y tế, giáo dục và phát triển Hải ngoại Australia (APHEDA), Quỹ Môi trường toàn cầu…
Bài học kinh nghiệm
Từ bài học vận động chính sách cấm sử dụng Amiăng ở Việt Nam cho thấy điều quan trọng là: Chọn được vấn đề nóng, bức xúc xã hội; Huy động được chuyên gia kinh nghiệm và tâm huyết, các tổ chức VNGO có thế mạnh; Vai trò của báo chí trong vận động chính sách là hết sức quan trọng; Sức mạnh tổng hợp của sự phối hợp: các Ủy ban Quốc hội, VUSTA, các Hội KH&KT, các VNGO, doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội được xác lập trong vận động chính sách cấm sử dụng Amiăng; Cần tạo lập những sân chơi để huy động sự tham gia và đóng góp của các tổ chức xã hội, các nhà khoa học và các đối tác trên nguyên tắc: công khai, minh bạch, và bình đẳng giữa các tổ chức phối hợp.
Thuận lợi: Kể từ khi thành lập đến nay, NGO-IC luỗn nhận được sự ủng hộ từ Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; các chuyên gia và các VNGO.
Khó khăn: Nguồn tài chính hạn hẹp dẫn đến chưa chủ động triển khai được công việc như kế hoạch; Nhân lực còn khiêm tốn;
Một số hình ảnh hoạt động của NGO-IC
PGS.TS Hồ Uy Liêm chủ trì buổi Tọa đàm Xây dựng Ngân hàng dữ liệu chuyên gia |
Hội thảo tham vấn Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về Amiang |
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Quốc hội chủ trì Hội thảo về Xây dựng Ngân hàng dữ liệu chuyên gia |
BS. Đỗ Thị Vân Giám đốc NGO-IC