Hòa Phát thông báo 31/5 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2020 bằng tiền và cổ phiếu. Theo đó, Hòa Phát sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 5% (500 đồng/cổ phiếu) vào ngày 11/6, tổng số tiền được cần chi là 1.657 tỷ đồng. Ngoài ra, Hòa Phát còn phát hành 1.159.648.930 cổ phiếu chi trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 với tỷ lệ 35% (người sở hữu 20 cổ phiếu được nhận 7 cổ phiếu mới).
Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Hòa Phát tăng thêm 11.596 tỷ đồng lên mức 44.729 tỷ đồng. Như vậy, Hòa Phát vượt qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (Vietnam Rubber Group), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Tập đoàn Vingroup - CTCP và CTCP Vinhomes để trở thành doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán.
Năm 2020: Doanh thu, lợi nhuận lập kỷ lục
Lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2020 đạt 3.846 đồng. Như vậy, Hòa Phát phải dùng một phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của các năm trước để đáp ứng kế hoạch 40% của năm 2020.
Năm 2020 là năm hoạt động rất thành công của Hòa Phát khi doanh thu và lợi nhuận lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay bất chấp dịch bệnh Covid-19. Theo đó, doanh thu đạt 90.119 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 13.450 tỷ đồng, tăng lần lượt 41,6% và 78,7% so với năm 2019.
Theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, doanh thu và lợi nhuận năm 2020 là con số kỷ lục đối với một doanh nghiệp sản xuất như Hòa Phát. Lĩnh vực sắt thép là mảng kinh doanh cốt lõi tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Doanh thu nhóm này tăng 81%, lợi nhuận từ các sản phẩm thép tăng 94%. Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục giữ vững thị phần số 1 tại Việt Nam, lần lượt là 32,5% và 31,7%.
Sản phẩm tôn Hòa Phát tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ tới gần 150% so với cùng kỳ. Sản lượng bán thép rút dây, mạ dây, thép thanh dự ứng lực (PC Bar) đạt 100.000 tấn, xuất khẩu 30.000 tấn, tăng gáp đôi so với năm 2019. Lượng đơn đặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) vượt 300% so với công suất của Hòa Phát.
Từ nhà máy luyện phôi thép theo công nghệ lò điện 300.000 tấn/năm, đến đầu năm 2021, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt 8 triệu tấn/năm. Với công xuất này, Hòa Phát đã vươn lên vị trí số 1 về sản xuất thép thô tại Đông Nam Á và tương đương với nhà sản xuất đứng thứ 48 trong top 50 đơn vị sản xuất thép thô lớn nhất toàn cầu.
“Lĩnh vực nông nghiệp cũng có những bước tiến vượt bậc khi tăng trưởng doanh thu đạt 32% và đóng góp 12% doanh thu của Hòa Phát. Đặc biệt, lợi nhuận lĩnh vực nông nghiệp cao gấp 3 lần so với năm 2019. Bò Úc giữ thị phần số 1 Việt Nam, heo an toàn sinh học, trứng gà sạch cũng thuộc top đầu của thị trường”, ông Trần Đình Long chia sẻ.
Lĩnh vực bất động sản hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch được giao. Khu công nghiệp Phố Nối A, Hòa Mạc, Yên Mỹ II có tỷ lệ lấp đầy lên tới 100%. Hòa Phát cũng vừa được Thủ tướng phê duyệt đầu tư mở rộng khu công nghiệp Phố Nối A thêm gần 100ha. Sản lượng bán hàng tủ đông tăng trưởng 120% so với năm 2019 giúp điện lạnh Hòa Phát có lợi nhuận tăng đột biến, vượt gần 60% kế hoạch đề ra cho cả năm 2020.
Năm 2021: Kế hoạch doanh thu 120.000 tỷ đồng
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Hòa Phát đã thông qua kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 33%. Theo đó, doanh thu đạt 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 18.000 tỷ đồng và cổ tức tiếp tục duy trì ở mức 40%.
Hiện nay, Hòa Phát cơ cấu lại mô hình tổ chức với 4 nhóm ngành, gồm: gang thép, sản phẩm thép, nông nghiệp và bất động sản. Các lĩnh vực đều phát triển với tính tương hỗ cao trong hệ sinh thái của Hòa Phát.
Thép cuộn chất lượng cao là nguồn nguyên liệu cho sản xuất thép rút dây, dự ứng lực, lõi que hàn… HRC là nguồn nguyên liệu cho ống thép, tôn mạ. Ống thép, tôn được sử dụng trong quá trình chế tạo các sản phẩm nội thất, điện lạnh. Nhà máy thức ăn chăn nuôi ngoài việc bán ra thị trường, còn cung cấp khối lượng lớn cho hệ thống trang trại chăn nuôi heo, gà của Hòa Phát trên toàn quốc.
Từ năm 2021, Hòa Phát đã tự chủ công nghệ sản xuất HRC chính là miếng ghép hoàn hảo tạo nên nền tảng vững vàng cho hệ sinh thái các sản phẩm thép chất lượng cao khác mà Hòa Phát có thể sản xuất như thép cơ khí chế tạo, vỏ container rỗng…
Trong thời gian tới, Hòa Phát sẽ đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (xã Bình Đông và xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) với công suất 5,6 triệu tấn/năm. Trong đó, thép dẹp đạt 4,6 triệu tấn/năm, thép thanh, thép dây chất lượng cao 1 triệu tấn/năm. Dự án nằm trên khu đất 284ha, tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng và hoàn thành đưa vào hoạt động sau 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng.