Hoa cúc và công dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền

(NTD) - Hoa cúc có nhiều loại, nhưng loại thường dùng để uống, pha trà, làm thuốc, phổ biến nhất là hoa cúc trắng và hoa cúc vàng. Hoa cúc trắng, Bạch cúc (Chrysanthemum sinense Sabine), hoa cúc vàng, Hoàng cúc (Chrysanthemum indicum L. - Chrysanthemum japonicum Thunb.), cả hai đều thuộc họ Cúc (Asteraceae).

 

Vị thuốc Cúc hoa (theo Dược Điển Việt Nam, in lần thứ nhất, tập 2, Nhà xuất bản Y học. 1983) có tên khoa học là Flos Chrysanthemi.

Trong Cúc hoa có các acid amin như adenin, cholin, stachydrin và vitamin A.

Trong tinh dầu của loài Chrysanthemim sinense var. japonicum có chứa long não (camphor). chrysol, chrysanthenon, vejuhualacton, artoglasin A, acaciin, linarin, chrysanthemin.

Chất màu của hoa cúc là các carotenoid: Chrysanthema - xanthin. Các sắc tố màu vàng có luteolin dưới dạng glycosid. Còn có các hydrocacbon.

Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam của TS. Võ Văn Chi, hoa cúc vàng có vị đắng, cay, tính hơi hàn, tác dụng thanh nhiệt giải độc.

- Hoa cúc trắng có vị ngọt, hơi đắng, tính hơi hàn, tác dụng tán phong thanh nhiệt, mát gan, sáng mắt.

Hoa cúc trắng dùng để pha trà hay ngâm rượu uống, thường dùng chữa phong nhiệt cảm mạo, đau đầu, tăng huyết áp, chóng mặt nhức đầu, mắt đỏ sưng đau, chảy nước mắt.

Liều dùng: 9-10g, dạng thuốc sắc, dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Dùng ngoài rửa, giã tươi, đắp mụn nhọt, sưng lở.

- Hoa cúc vàng cũng thường dùng trong các trường hợp phòng cảm lạnh, cúm, viêm não, viêm mủ da, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, huyết áp cao, đau mắt đỏ, viêm gan, kiết lỵ.

Cách dùng: Ngày 8-12g hoa hoặc 15-20g cành lá sắc uống. Có thể hãm uống giải độc rượu. Những người tỳ vị hư hàn, đi tiêu lỏng, tay chân lạnh, thường thấy ớn lạnh, sợ lạnh, huyết áp thấp, thì không nên dùng.

Theo y học hiện đại, hoa cúc có tác dụng kháng khuẩn, kháng vi rút, chữa cảm cúm, làm giãn mạch máu, hạ huyết áp, giúp hạ mỡ trong máu.

Ngoài ra, còn có dã cúc hoa (cúc mọc hoang), hoa rất nhỏ. Cúc mọc hoang vị đắng tính hàn. Thường dùng để chữa trị lở loét, mắt đỏ.

Ngoài công dụng làm thuốc, hoa cúc có thể dùng làm thức ăn. Sở từ của Khuất Nguyên có câu: “Tịch xan thu cúc chi lạc anh” (Bữa cơm tối có hoa cúc mùa thu rơi rụng).

Thời vua Hán Vũ Đế, vào tiết trùng dương (mồng 9 tháng 9 âm lịch) trong hoàng cung thường tổ chức tiệc uống rượu hoa cúc để giúp tăng cường tuổi thọ.

Trong Diêu khê ngư ẩn tùng thoại (đời nhà Tống) có chép: “Trong vùng núi sâu ở huyện Nam Dương, Hà Nam, có một ngôi làng nhỏ, bên cạnh một dòng suối nhỏ với làn nước trong xanh. Dọc hai bên bờ suối được trồng đầy hoa cúc, hương thơm bay tỏa khắp vùng. Dân trong làng khoảng ba mươi hộ gia đình ở đó đều rất thích ăn hoa cúc, uống nước suối hoa cúc, nên phần nhiều dân cư đều trường thọ, sống tới 120-130 tuổi”.

Sách Bản thảo cương mục của danh y Lý Thời Trân (đời nhà Minh) khen hoa cúc như sau:

“Hoa cúc tròn như mặt trăng treo lơ lửng trên bầu trời xanh. Hoa có màu vàng thuần khiết và không lẫn vào màu vàng của đất trời. Khi trồng thì sớm, mà ra hoa thì muộn, giống y như đức của người quân tử. Hoa vươn lên trong sương giá mùa thu tượng trưng vẻ kiên trinh, tiết tháo, thanh tao. Dùng làm thuốc, uống nước thuốc hoa cúc chẳng khác gì uống một thứ nước thần tiên vậy”.

“Cam cúc dùng ăn sống, ăn chín đều được, hoặc dùng nấu canh ăn... Ăn hoa cúc giúp ra nhiều tóc, sinh năng lực, làm tươi nhuận nhan sắc... Ăn hoa cúc lâu ngày sẽ giúp kéo dài tuổi thọ..”.

Bản thảo cương mục cũng có ghi rằng: Nếu dùng cam cúc để chế thành thuốc Băng niên phương (thang thuốc tăng tuổi thọ), uống một năm thì tóc bạc chuyển sang đen, uống hai năm thì răng rụng tái sinh, uống 5 năm thì cụ già 80 tuổi sẽ có vẻ mặt tươi tắn, hồng hào, rạng rỡ hẳn lên.

Người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã thời xưa đã sử dụng hoa và lá của hoa cúc để làm thuốc chữa bệnh.

Hoa cúc có tác dụng làm dịu căng thẳng thần kinh và giúp ngủ ngon. Do vậy, người bị stress, mất ngủ, nên uống trà hoa cúc hằng ngày.

Nghiên cứu gần đây còn cho biết: Uống trà hoa cúc rất có ích cho người bệnh tiểu đường, vì giúp ngăn ngừa những biến chứng của căn bệnh này và kiểm soát sự tăng đường huyết.

Các nhà khoa học ở trường Đại học Aberystwyth (Anh) và trường Toyama (Nhật Bản) đang nghiên cứu phương pháp chiết xuất tinh chất hoa cúc làm dược phẩm chữa bệnh tiểu đường.

Người xưa còn dùng hoa cúc phối hợp với vị thuốc bạch chỉ để làm gối thuốc, dùng cho bệnh nhân mất ngủ, giúp kéo dài thêm giấc ngủ, mà không có phản ứng phụ nào.

Với người già và người bệnh huyết áp cao, lại càng thích hợp. Trẻ em dùng gối thuốc hoa cúc có thể phòng chữa bệnh rôm sảy.

Hoa cúc có thể dùng chế biến nhiều món ăn thức uống để chữa bệnh, như pha chế thành đồ uống, làm bánh điểm tâm, làm các món trong bữa ăn hằng ngày, như món rau xào, nước hoa cúc đem nấu canh.

- Hoa bạch cúc ngâm rượu, uống lâu dài rất bổ ích cho sức khỏe, lại có thể giải nhiệt độc của rượu, thường phối hợp với vị thuốc câu kỷ tử; và dùng rượu có độ rượu thấp.

- Hoa cúc dùng làm trà là loại hoa cúc trắng, hoặc vàng được hái vào mùa thu khi hoa nở chưa lâu, để vào chỗ khô lạnh cho héo khô.

Cho 4-5 bông hoa cúc vào ấm trà, đổ nước sôi vào, ngâm khoảng 5 phút là uống được.

Nếu uống hoa cúc cùng với lá trà (chè) thì có thêm tác dụng lợi tiểu, làm tăng hiệu quả chữa cao huyết áp.

Trà hoa cúc rất có ích cho thị lực. Những người làm việc văn phòng, chủ yếu là ngồi trước máy tính, hoặc khi đọc sách nhiều, đọc sách chữ nhỏ, mắt bị mỏi, không nhìn rõ, uống trà hoa cúc cũng có thể làm cho mắt trở lại bình thường, mắt sáng hơn, tinh thần tỉnh táo.

Có thể dùng bài thuốc: Trà xanh, hoa hòe, hoa cúc giúp tăng thị lực:

Nguyên liệu: Hoa cúc 3g, hoa hòe 3g, trà xanh 3g.

Cách làm: Cho 3 nguyên liệu trên vào trong cốc thủy tinh, đổ nước sôi vào ngâm khoảng 5 phút, uống thay trà hằng ngày.

Tác dụng: Thanh nhiệt sáng mắt.

Vào mùa thu đông, tiết trời se lạnh, có thể dùng hoa cúc trắng pha với mật ong hoặc với đường (có thể thêm vài lát gừng), uống nóng, sẽ giúp làm ấm cơ thể, tinh thần sảng khoái.

Nếu mua hoa cúc khô trên thị trường, cần rửa sạch kỹ trước khi sử dụng để loại bỏ chất bảo quản đông dược.

 Lương y Đinh Công Bảy (Tổng Thư ký Hiệp hội Dược liệu TP.HCM)

 
Nên đọc