Hiểu về bệnh trầm cảm ở thanh thiếu niên

(NTD) - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chứng trầm cảm rất phổ biến và hiện nay đây là căn bệnh gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người chỉ đứng sau bệnh lý về tim mạch. Trầm cảm cũng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, bởi đây là độ tuổi mà tâm lý dễ bị tác động bởi những sinh hoạt xung quanh.

Nguyên nhân và dấu hiệu

Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, các em có tâm lý rất nhạy cảm. Những thay đổi xung quanh môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý lứa tuổi này. Các em dễ bị tác động từ những sự việc, những suy nghĩ, lối sống xung quanh dẫn đến tâm lý chán nản, lo âu, thậm chí có những hành động tiêu cực với chính mình hoặc người thân. Những biểu hiện này chính là dấu hiệu của chứng trầm cảm.

Bên cạnh đó, cuộc sống gia đình có tác động rất tích cực đến tâm lý lứa tuổi này. Cha mẹ không thường xuyên quan tâm chăm sóc hoặc cha mẹ thường xuyên bất hòa, ly hôn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các em. Trẻ sẽ có cảm giác hụt hẫng khi phải sống thiếu cha hoặc mẹ từ đó dẫn đến việc trẻ sống khép kín ngại giao tiếp, chán ghét bản thân rồi nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực.

Đáng kể, có một số thanh thiếu niên bị san chấn tâm lý sau khi bị một cú sốc lớn như: Mất người thân, bị bạo hành hay bị lạm dụng tình dục… Thậm chí việc sử dụng ma túy cũng có thể khiến trẻ bị trầm cảm. Những trường hợp này nếu không phát hiện kịp thời sẽ để lại di chứng nặng nề cho trẻ.

Trẻ bị trầm cảm sẽ không tự nhận biết tình trạng của mình. Thông thường người thân sẽ phát hiện ra con em mình bị trầm cảm thông qua sinh hoạt hoặc thay đổi thói quen hằng ngày. Trẻ có thể giảm cân đáng kể không phải do ăn kiêng hoặc tăng cân. Mất ngủ hay ngủ nhiều hơn cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết trẻ bị trầm cảm. Các em có thể sẽ dễ cáu gắt, thích gây hấn, tâm trạng bực bội hoặc có khi các em sẽ trở nên trầm tính hơn, thu mình lại không thích giao tiếp với người xung quanh. Tâm trạng người bệnh lúc nào cũng chán chường, mệt mỏi thậm chí còn nghĩ đến cái chết. Đặc biệt, khi gia đình đã từng có người mắc chứng trầm cảm thì nguy cơ trẻ mắc bệnh là khá cao, ThS. Phạm Thị Minh Châu (Giảng viên bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết.

Có khi các em sẽ trở nên trầm tính hơn, thu mình lại không thích giao tiếp với người xung quanh

Phòng ngừa và điều trị

Với lứa tuổi thanh thiếu niên, gia đình phải luôn là điểm tựa cho các em. Cha mẹ phải là người quan tâm sâu sát, để ý đến tâm tư tình cảm của con em mình. Khi trẻ có những biểu hiện như nêu ở trên, phụ huynh nên nhanh chóng đưa đến găp bác sĩ để được tư vấn điều trị đúng hướng.

TS. BS. Ngô Tích Linh (Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Dược TP.HCM) chia sẻ, gia đình và nhà trường phải cùng phối hợp trong việc điều trị trầm cảm cho các em thanh thiếu niên. Phụ huynh phải hiểu rõ trầm cảm là bệnh và khi cần thiết cũng phải điều trị bằng thuốc theo toa bác sĩ. Không nên lẩn tránh, có thái độ hiểu lầm về bệnh khiến việc điều trị khó khăn, lâu dài gây hậu quả đáng tiếc. Cha mẹ nên quan tâm đến thói quen sinh hoạt hằng ngày của con em mình và phát hiện kịp thời những thay đổi nơi trẻ để có những điều chỉnh kịp thời.

Việc điều trị trầm cảm hiện nay, có nhiều phương pháp, bác sĩ hoặc chuyên gia về sức khỏe tâm thần sẽ căn cứ theo từng trường hợp cụ thể để chỉ định khi nào dùng tâm lý trị liệu và khi nào sẽ cần dùng thuốc. Do đó, phụ huynh cần phải đồng hành cùng bác sĩ trong việc điều trị trầm cảm cho con em mình, TS. BS. Ngô Tích Linh cho biết thêm.

 
Theo ThS. Phạm Thị Minh Châu: Ngày nay, việc học tập đã khiến các em chịu đựng những áp lực khá lớn, thêm vào đó việc cha mẹ luôn đòi hỏi con cái phải có thành tích cao rồi thường hay so sánh con cái với bạn bè vô tình tạo nên áp lực cho con trẻ. Từ đó, các em dễ nảy sinh ý nghĩ mình không bằng người khác hoăc tự cho là mình vô dụng dẫn đến tâm lý tự ti. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Ngoài ra, việc cạnh tranh ngôi thứ trong trường lớp, các mối quan hệ giao tiếp hằng ngày với bạn bè, thầy cô cũng khiến các em căng thẳng, stress. Nếu không được phát hiện kịp thời, lâu dần các em dễ bị trầm cảm.

 Luyến Thương

 

 
Nên đọc