Ai là chủ nhân mới?
Căn biệt thự được xây dựng trên khu đất 2.819,5 m2, theo kiến trúc Pháp cổ là nhà cấp 2, 3 gồm 2 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 2.000 m2. Nằm trên 3 mặt tiền lớn là đường Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM), khu đất này được xem là “khu đất vàng” của thành phố mà nhiều đại gia BĐS đang dòm ngó.
Hơn 8 năm trước ngôi biệt thự này được rao bán với giá 47 triệu USD. Sau nhiều năm thương lượng, cuối cùng người bán chấp nhận giảm mức giá xuống còn 35 triệu USD, mức giá này thấp hơn nhiều so với giá kỳ vọng ban đầu. Chủ nhân ngôi biệt thự là cụ Đặng Kim Chi (sinh năm 1938), đang sống tại chính căn nhà trên và cụ Nguyễn Kim Sa Dang (sinh năm 1934), hiện đang sống ở Mỹ.
Toàn cảnh biệt thự cổ rộng gần 3.000 m2 sở hữu 3 mặt tiền. |
Mặt tiền nguy nga mang kiến trúc Pháp cổ. |
Cửa chính của căn nhà đang được niêm phong. |
Theo tài liệu ghi nhận, ngôi biệt thự này được xây bởi một người rất giàu có ở Sài Gòn. Sau khi xây dựng không lâu, ngôi biệt thự được bán lại cho một đại phú hộ có vị thế ở Sài Gòn trước đây. Khi mua lại, người này đặt tên là “Biệt thự Phương Nam”, rồi tặng cho người con gái của mình làm của hồi môn. Sau khi lấy chồng, cô gái sinh được 7 người con và tất cả đều sinh sống ở biệt thự Phương Nam. Sau đó, những người con của cô xây dựng gia đình rồi ra nước ngoài định cư. Tuy nhiên, về quyền thừa kế thì biệt thự này thuộc quyền sở hữu của cả 7 người con, quyền lợi của mọi người là như nhau.
Hiện nay, có nhiều nguồn tin cho rằng biệt thự này được một Tập đoàn đầu tư nước ngoài mua lại. Mới đây nhất là thông tin căn nhà trên được bán cho Công ty CP Minerva có trụ sở tại TP.HCM do ông Dương Hoàng Danh (sinh năm 1973) làm Tổng giám đốc. Tổng giá trị mua bán, chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, cùng với toàn bộ trang thiết bị nội thất hiện có đi kèm với nhà ở là 700 tỷ đồng.
Một nguồn tin (không tiện nêu tên) mà chúng tôi tìm hiểu đã tiết lộ, có một số đại gia bất động sản được cho là đã mua ngôi biệt thự này, nhưng trong số những người đấy chỉ có duy nhất một người có đủ khả năng để mua ngôi nhà cổ này, đó cũng là người vừa mua lại dự án TTTM Thuận Kiều Plaza tại Q.5. Ngoài ra, một biệt thự khác nằm tại số 606 đường Trần Hưng Đạo, Q.5, hiện nay là trụ sở Công ty An Phú cũng đã được vị đại gia này mua từ nhiều năm trước. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, ngôi biệt thự này hiện đã thuộc quyền sở hữu của một nữ đại gia bất động sản tại TP.HCM và mọi thỏa thuận giao dịch đã được “chốt” tại Mỹ.
Mua để làm nhà thờ tự
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết: “Căn biệt thự đó là di tích lịch sử kiến trúc, nhà cổ của thành phố nên được bảo vệ nghiêm ngặt, không được đập ra xây lại. Do lâu nay không được bảo quản đúng cách nên ngôi nhà trên đang xuống cấp nghiêm trọng, mái ngói vỡ, tường bám đầy rêu xanh, nội thất bên trong bị hư hỏng nhiều, một phần công trình bị đục khoét, cơi nới cho thuê làm bãi giữ xe, bán cà phê, bán hàng rong. Trường hợp cũ quá, có nguy cơ sụp đổ hoặc bị sụp đổ thì phải xây lại như cũ, bảo vệ nguyên vẹn kiến trúc căn bản của tòa nhà. Có thể làm lại nội thất bên trong nhưng bề ngoài tòa nhà phải được bảo vệ nguyên vẹn”.
“Ngay cả ngôi biệt thự cũ tại số 36 Trần Cao Vân, Q.1 của tôi ngày xưa chỉ khoảng 300 m2 muốn phá dỡ để xây lại cũng phải có sự phê chuẩn rất lâu của UBND TP.HCM”, ông Châu chia sẻ thêm.
Toàn cảnh biệt thự cổ rộng gần 3.000 m2 sở hữu 3 mặt tiền. |
Cũng theo nguồn tin (giấu tên) tiết lộ: “Mục đích mua ngôi biệt thự cổ này theo tôi được biết là từ lâu người này muốn có được một nơi để làm chỗ thờ tự dòng họ. Tuy nhiên, đây là ngôi biệt thự nằm trong danh mục cần được bảo tồn về mặt kiến trúc, văn hóa và lịch sử của TP.HCM. Do đó, chủ nhân mới chỉ có thể được sở hữu, sửa chữa, nâng cấp thêm để ở, nhất là phần nội thất bên trong, còn toàn bộ phần kiến trúc tòa nhà vẫn phải giữ nguyên hiện trạng như ban đầu”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc bảo tồn một ngôi biệt thự cổ cần xem xét trên nhiều yếu tố như: giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, vai trò đối với cảnh quan môi trường khu vực... để cân đối lợi ích khi thực hiện bảo tồn hay phá bỏ, xây mới. Bên cạnh đó, một công trình có giá trị lịch sử ngoài giá trị văn hóa còn mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ. Mỗi công trình cổ tồn tại đều rất quý. Tuy nhiên, đã giữ thì phải có chính sách bảo tồn, vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu.
Theo quy định hiện nay, nhà thuộc dạng biệt thự muốn thay đổi hiện trạng, kết cấu đều phải thông qua Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM thẩm định và được sự cho phép của UBND TP.HCM.
Tấn Lợi