Cao tốc đầy ổ gà, thu 600 triệu đồng mỗi ngày
Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ dự án. Cao tốc có chiều dài 140km, khởi công ngày 19/5/2013, thông xe toàn tuyến ngày 2/9/2018. Tuy nhiên, chỉ sau một tháng đưa vào sử dụng, cao tốc có tốc độ thiết kế 120km/giờ đã xuất hiện nhiều hư hỏng, khiến dư luận đặt câu hỏi về chất lượng 13 gói thầu xây lắp của dự án. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) từng thừa nhận: “Nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn công trình giao thông Giang Tô đã sử dụng nhà thầu phụ là Công ty Cienco 864 thi công 5 cầu nhưng chưa được VEC chấp thuận hợp đồng. Kiểm tra thực tế thời điểm tháng 11/2017, nhà thầu Cienco 864 đã không còn thực hiện thi công. Đây được xác định là trách nhiệm của nhà thầu chính”.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo VEC dừng thu phí để khắc phục hư hỏng. Tuy nhiên, với tuyến cao tốc này, mỗi ngày VEC thu phí về khoảng 600 triệu đồng nên chỉ vài ngày hoàn tất công tác sửa chữa (14-17/10), VEC xin phép thu phí trở lại. Khi ký văn bản cho phép VEC thu phí trở lại vào ngày 27/10, Bộ GTVT tái khẳng định dự án bảo đảm các tiêu chí kỹ thuật cần thiết. Tuy nhiên, những chuyên gia cầu đường cho rằng cao tốc có số vốn lên đến 34.500 tỷ đồng mà bị hỏng cục bộ, thấm dột ở các cầu, hầm là rất khó chấp nhận. Về mặt chuyên môn, nguyên nhân của sự việc trên là các nhà thầu làm ẩu và có khả năng không đúng hồ sơ thiết kế.
Cụ thể, mặt đường cao tốc đoạn từ Km0 đến Km65 xuất hiện nhiều vị trí bong tróc, ổ gà. Tổng diện tích hư hỏng khoảng 70m2. Trên tuyến cũng xuất hiện cục bộ 21 vị trí/426 tổng số cầu, cống bị thấm, dột do công tác thi công hệ thống thoát nước của nhà thầu chưa hoàn thiện, chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, hoặc hư hỏng trong quá trình khai thác. Tại một số vị trí mái taluy bị sạt trượt, do lớp cỏ bảo vệ mái taluy chưa kịp phát triển, VEC đã yêu cầu các nhà thầu khẩn trương khắc phục, hoàn thiện, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật.
Đơn vị này cũng cho biết, sau hơn 1 năm đưa vào khai thác 65km đầu tuyến (2/8/2017), khoảng cuối tháng 9/2018 đã xuất hiện một số hư hỏng cục bộ lớp bê tông nhựa tạo nhám dày 3 cm tại một số vị trí với diện tích khoảng 70m2/3,1 triệu m2.
Hàng loạt sai phạm chất lượng công trình, khiến đơn vị này phải tạm đình chỉ công tác ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đồng thời, cảnh cáo 4 đơn vị, bao gồm: Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 4; Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 6; BQL dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Ban điều hành quản lý khai thác đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VECS) và 5 cá nhân liên quan
Mỗi ngày, với lưu lượng xe tham gia giao thông, VEC thu phí về khoảng 600 triệu đồng. |
Chưa lắp hàng rào tuyến nên rất nguy hiểm. |
Dân bất an vì cao tốc...
Hiện nhiều hạng mục hư hỏng đang gây ra những tác động không nhỏ tới sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Một số hộ dân ở dọc tuyến cao tốc phản ánh tiến độ thi công các hạng mục như rào chắn, đường ngang dân sinh, công tác đền bù... chưa giải quyết thỏa đáng. Tại xã Tam Thái (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn hơn 6.500m2 đất chưa được đền bù, hơn 3.000m2 đất sản xuất bị cô lập dẫn tới bỏ hoang, khoảng 7ha ruộng không thể lấy nước do cống cao tốc thấp hơn kênh dẫn…Ông Nguyễn Đạo (Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh) cho biết, địa phương đã kiến nghị với BQL dự án để triển khai những điều có trong cam kết dự án, nhất là hệ thống thoát nước dọc hai bên tuyến.
Tại xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành, Quảng Nam) có 16 hộ dân đang phải “thấp thỏm” vì mỗi khi trời đổ mưa, một lượng đất đá, nước mưa sẽ tràn thẳng vào nhà các hộ dân này mà không có gì cản lại. Dọc hai bên tuyến cao tốc không hề có mương thoát nước. Trong khi đó BQL dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết trong thiết kế có hệ thống thoát nước dọc nhưng do một số hộ dân chưa thống nhất trong chuyện đền bù trước đây còn vướng mắc, giờ phải đền bù thì mới cho làm.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, đoạn gói thầu A4 đến nay lưới rào chắn hai bên tuyến vẫn chưa thi công xong. Những chân đế đã lắp lưới chắn thì sơ sài khi chỉ được lắp từ 2-3 bu lông trong khi thiết kế có 4 bu lông. Nhiều trụ lắp lưới chắn treo chỏng chơ do không có chân đế. Thậm chí, tại một số vị trí nhà thầu thi công hệ thống lưới chắn đã gia cố giữa hai tấm lưới bằng… dây dừa.
Trước những khiếu nại của người dân, đã không ít lần chính quyền từ xã đến huyện của hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi gửi đề nghị đén các nhà thầu trực tiếp thi công phối hợp giải quyết. Nhiều biên bản làm việc được lập ra, nhưng việc hợp tác của các nhà thầu lại hầu như là số không.
Việc hình thành các tuyến đường cao tốc góp phần đáng kể cho tăng trưởng kinh tế và kết nối vùng miền. Nhưng hầu hết khoản kinh phí đầu tư cao tốc đều từ tiền ngân sách, hoặc vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)... Bất kỳ sự “dễ dãi” hoặc “cẩu thả” nào trong thi công đường cao tốc cũng gây ra khổ sở cho người dân và cả gánh nợ công quỹ khổng lồ.
Một số vũng nước ven tuyến cao tốc. |
Đất đá ven tuyến cao tốc tại km 65 tràn xuống khu vực dân cư. |
Bài và ảnh: Hoàng Tân