Hành trình hơn 30 năm thiết kế máy bay cá nhân của Fujino

(NTD) - Michimasa Fujino là linh hồn của dự án phát triển HondaJet - chiếc máy bay cá nhân của hãng sản xuất xe máy và xe hơi nổi tiếng. Ông cống hiến hơn 30 năm thanh xuân để phát triển, thiết kế, sản xuất, tiếp thị và kinh doanh HondaJet.

Michimasa Fujino gia nhập phòng thí nghiệm xe hơi của hãng Honda năm 1984 sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật hàng không thuộc Đại học Tokyo. Hai năm sau, Fujino và các kỹ sư được Honda cẩn thận chọn lựa và bí mật đưa đến Starkville, Mississippi ở Hoa Kỳ trong dự án phát triển máy bay phản lực.

Cả nhóm làm việc cật lực với các bản vẽ khác nhau, các thử nghiệm về vật liệu để chế tạo thân máy bay, cấu trúc máy bay… Thậm chí, họ phải dùng tay tự xúc cát đổ vào các khuôn. Nhưng khoảng thời gian đó là lúc Fujino tìm tòi được các kỹ thuật mới để phát triển chiếc máy bay cá nhân.

Năm 1996, Fujino bị gọi về Nhật Bản và tưởng chừng dự án sản xuất máy bay cá nhân của Honda phải xếp xó. Vào một đêm của năm 1997, Fujino bật dậy, gỡ vội tờ lịch tường và bắt đầu những nét phác họa đầu tiên của một chiếc máy bay cá nhân trong tương lai.

Michimasa Fujino tại triển lãm hàng không Singapore Airshow 2018. (Ảnh: CNBC).
Kỹ thuật gắn cánh trên giá đỡ (OTWEM) của Michimasa Fujino đã tạo nên đột phá cho máy bay HondaJet. Các hãng sản xuất máy bay khác đều thất bại khi đặt động cơ ở cùng vị trí. (Ảnh: Straits Times).

Chiếc máy bay cá nhân tạo nên bước ngoặt mới

HondaJet là loại máy bay hạng nhẹ, với hai ghế lái và 4-5 chỗ cho hành khách hiện được Honda chào bán với giá từ 4,5 triệu USD/chiếc.

Năm 2003, phiên bản thử nghiệm của HondaJet cất cánh thành công tại sân bay Piedmont Triad ở Greensboro, Bắc Carolina của Hoa Kỳ. Năm 2004, Honda tuyên bố sẽ phát triển máy bay thương mại và xuất xưởng chiếc máy bay đầu tiên một năm sau đó. Tuy nhiên mãi đến cuối năm 2015, Honda mới giao cho khách hàng 12 chiếc HondaJet đầu tiên do phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các cơ quan hàng không Hoa Kỳ và châu Âu.

Bản vẽ bằng bút chì đêm hôm đó của Fujino giờ trở thành một chiếc máy khung bằng sợi carbon và nhôm. Thoạt nhìn bên ngoài, HondaJet không khác gì với những chiếc máy bay đối thủ cùng loại. Tuy nhiên, vị trí đặt động cơ và lớp cánh nhiều lớp của máy bay là những phát minh bước ngoặt của Fujino và các đồng sự.

Thông thường, động cơ của máy bay sẽ được gắn trực tiếp dọc thân của máy bay hay dưới cánh. Ở HondaJet, động cơ được gắn ở giá treo hai bên cánh theo kỹ thuật OTWEM của Fujino. Các hãng chế tạo máy bay trước đó đã thử nghiệm ở vị trí này nhưng không thành công.

Đây là bước đột phá của Honda sau nhiều thập niên nghiên cứu. Với vị trí đặt động cơ mới, không gian của cabin rộng thêm 20%, tốc độ tối đa của máy bay tăng 25% và đạt đến 780 km/h, nhiên liệu tiêu thụ giảm 17%. Bên cạnh đó, tiếng ồn cũng giảm thiểu, tạo thoải mái cho hành khách.

Phần không gian rộng hơn Fujino dùng để thiết kế nhà vệ sinh với cửa trượt (sliding) ở cuối máy bay thay vì cửa đẩy như thường thấy ở máy bay thương mại. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn của HondaJet đối với các loại máy bay nhỏ khác khi hành khách buộc phải sử dụng các máy bay loại nhỏ mà không có nhà vệ sinh!

Thị trường máy bay cá nhân chưa khai phá

So với các loại máy bay thương mại loại nhỏ khác, HondaJet thích hợp với thị trường trung lưu đang lên ở châu Á với giá từ 4,5 triệu USD/chiếc. Các máy bay cùng loại như GulfstreamG500 có sức chứa 18-20 người hay Textron Cessna Citation Longtitude có sức chứa 12 người, nhưng giá lại gấp 10 lần giá của HondaJet - tức mắc hơn một chiếc ATR72-600 mới tinh vốn được các hãng hàng không ưa chuộng!

Doanh nhân châu Á, đặc biệt là tầng lớp trẻ hơn, đang bắt đầu nhận ra máy bay cá nhân không phải là một món đồ xa xỉ mà là “một công cụ hỗ trợ tăng năng suất làm việc” như nhận định của CEO Fujino. Số người có thu nhập cao của Trung Quốc ngang bằng con số ở Hoa Kỳ, nhưng chỉ có 2,5% số người giàu Trung Quốc có máy bay riêng so với tỷ lệ 18% ở Hoa Kỳ. “Khoảng cách đó sẽ thu hẹp dần trong tương lai” - vị kỹ sư linh hồn của HondaJet nhận định.

Sau Hoa Kỳ và châu Âu, Honda bắt đầu xin phép của chính quyền Trung Quốc từ tháng 8/2017 và tin rằng sẽ sớm được giấy phép trong năm nay thay vì 18 tháng như quy định. Ông Fujino dự đoán nhu cầu của thị trường Trung Quốc và châu Á vào khoảng 700-800 chiếc HondaJet trong vòng 10 năm tới. Ông cũng nhìn ra nhu cầu ở thị trường Ấn Độ và Trung Đông và nói đang xem xét kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại đây.

HondaJet trong phòng trưng bày ở Bắc Carolina, Hoa Kỳ. Loại máy bay này sẽ được xem là biểu tượng mới tượng trưng cho sự giàu sang của các triệu phú và tỷ phú mới ở châu Á. (Ảnh: Honda Aircraft).
Nhưng giấc mơ của Michimasa Fujino là chiếc máy bay HondaJet sẽ không chỉ là món đồ xa xỉ của giới siêu giàu, mà là chiếc máy bay của gia đình bằng việc hạ giá thành theo từng giai đoạn. (Ảnh: Honda Aircraft).

Đặt mục tiêu ngắn hạn và không bỏ cuộc!

Ở tuổi 58, Fujino giờ trở thành CEO (Giám đốc điều hành) của Honda Aircraft. Ông nói mỗi chiếc HondaJet là “một tác phẩm nghệ thuật, một đứa con” mà Fujino tự tay lái máy bay đến giao cho khách hàng. “Tôi muốn đích thân gặp họ và thấy được sự hào hứng của họ. Điều đó khích lệ và tạo động lực lớn với tôi” - Fujino trao đổi với đài CNBC tại triển lãm hàng không Singapore Airshow vào đầu tháng 2/2018.

Về giá thành, HondaJet rẻ hơn rất nhiều so với Gulfstream và Cessna. Fujino tính đến việc cắt giảm giá để HondaJet trở nên quen thuộc hơn. Đầu tiên là từ cánh cửa của nhà vệ sinh trên máy bay. Giá cánh cửa này là 36.000 USD và Fujino tin rằng nếu sản xuất ở ngoài Hoa Kỳ, giá sẽ giảm hơn phân nửa!

Hơn ba mươi năm phấn đấu cho một ước mơ, Fujino nói đã nhiều lúc ông muốn bỏ cuộc nhưng lại lấy tấm gương của vận động viên marathon Kenji Kimahara làm khích lệ và cảm hứng của mình. “Anh ta không nghĩ rằng mình phải chạy hết 42 cây số mà chỉ nghĩ rằng mình chỉ cần chạy đến cột mốc cây số kế tiếp. Khi tôi gần như buông xuôi thì tôi lại nghĩ mình chỉ cần làm thêm ba hoặc sáu tháng nữa. Và đã 30 năm trôi qua, nhưng tôi luôn đặt mục tiêu ngắn hạn và không bao giờ bỏ cuộc” - Fujino tâm sự.

Phòng vệ sinh là một thiết kế vượt trội của HondaJet trong dòng máy bay cá nhân. (Ảnh: Honda Aircraft).
HondaJet trong nhà máy ở Greensboro, Bắc Carolina của Hoa Kỳ. Với thân bằng vật liệu composite, cánh bằng hợp kim nhôm, động cơ được gắn trên cánh, HondaJet được cho là cấu hình có thể bay nhanh nhất, động cơ yên ắng nhất và tiết kiệm nhiên liệu nhất trong các dòng máy bay cá nhân. HondaJet có khả năng bay quãng đường 2.000 km. (Ảnh: Bloomberg).

 Ky Hồ

 
Nên đọc