Những hình ảnh giới thiệu như thế này xuất hiện rất nhiều trong các shop bán hàng online kèm quảng cáo rất “nổ”. Ảnh TL dùng để minh họa. |
Thuật ngữ hàng xách tay giờ đây đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam qua phương thức mua bán rất phong phú; mua online giao hàng tận nhà, mua theo nhóm tại cơ quan và mua trực tiếp tại các shop đang mọc lên như nấm ở các thành phố lớn.
“Chém” và “nổ”
Theo khảo sát của người viết, chợ hàng xách tay lớn nhất tại Hà Nội ở khu vực phố Nguyễn Sơn, gần Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) có giá bán tốt nhất và là nơi bán buôn các mặt hàng do tiếp viên đánh về.
Chợ Nguyễn Sơn chủ yếu cung cấp mỹ phẩm, đồ gia dụng gọn nhẹ, nước hoa, thực phẩm chức năng, bánh kẹo, rượu… có nguồn gốc từ trong mạng bay của Vietnam Airlines. Giá một số mặt hàng ở đây thậm chí còn rẻ hơn so với giá mua lẻ tại nước ngoài.
Ví dụ chai nước lô hội, nước gạo rang Hàn Quốc mua tại các siêu thị của Hàn Quốc có giá tính ra tiền đồng là 75.000 đồng/chai thì ở Nguyễn Sơn chỉ bán 60.000 đồng/chai cùng loại. Các loại tất mỏng cho mùa thu có giá bán 30.000 – 40.000 đồng/đôi thì ở chợ Dongdaemoon giữa thủ đô Seoul (Hàn Quốc) giá 40.000 – 50.000 đồng/đôi.
Cũng tại chợ Nguyễn Sơn có thể dễ dàng mua được các loại mặt nạ dưỡng da với giá từ 60.000 đồng – 350.000 đồng/chục tùy loại, trong khi ở Hàn Quốc mỏi mắt không tìm được loại mặt nạ 60.000 đồng/chục. Vì vậy, không ít người đi công tác nước ngoài về thường đến Nguyễn Sơn mua đồ làm quà vừa rẻ vừa không mất công mang vác.
Một chủ cửa hàng trên phố Nguyễn Sơn cho biết, nguồn hàng chị bán do tiếp viên trực tiếp xách về. Các tiếp viên lấy công làm lãi với tiền ship (phí vận chuyển) tính theo kg, không phân biệt chủng loại hàng và thanh toán gối đầu chậm một kỳ.
Trước chuyến bay, tiếp viên gọi điện để chị đặt hàng, muốn được giá tốt phải lấy với số lượng lớn. Tùy theo sự nhạy cảm và thẩm mỹ của mỗi người, tự tiếp viên sẽ linh động xách thêm loại hàng hóa khác nếu tìm được mối giao hàng tốt hoặc ở nước sở tại có đợt siêu giảm giá. Bản thân tiếp viên sau mỗi chuyến bay thường chỉ được nghỉ 24-48 giờ nên cũng không có thời gian đi chọn hàng, sẽ có cửu vạn vận chuyển hàng đến tận khách sạn. Nguồn cung cấp hàng cho tiếp viên là những người Việt sinh sống ở nước ngoài.
Còn tại đa số các shop hàng xách tay khác đều có giá đắt và không đồng nhất. Để thuyết phục khách hàng, người bán thường “nổ” rằng nhà mình có người ở nước ngoài chuyển về, có người nhà làm tiếp viên… nên yên tâm về chất lượng và giá cả không phải qua trung gian.
Thường thì người bán hàng rất dị ứng khi khách hỏi hàng có chuẩn không hoặc chê giá đắt. Cho nên các tín đồ mua sắm đều được truyền kinh nghiệm hàng gì mua ở đâu để khỏi bị “chém”. Một lọ kem chống nắng của Đức có nơi bán 180.000 đồng, có nơi hét 250.000 đồng. Nếu khách buột miệng kêu đắt hơn ở chỗ khác, chủ cửa hàng sẵn sàng đuổi khéo “Ở đây bán hàng chuẩn thì phải đắt. Còn muốn rẻ vài chục nghìn đi chỗ khác chỉ có hàng trộn”. Hàng trộn tức là chủ cửa hàng nhập một ít hàng xách tay đem thẳng từ nước ngoài về, sau đó mua sỉ mặt hàng còn lại ở chợ Đồng Xuân về bán chung.
Quần áo, trái cây là những mặt hàng thường có giá “chát” hơn nhiều so với nước ngoài. Vì quần áo phải ôm đủ size theo định mức còn trái cây phải vận chuyển trong ngày, dễ hư và hạn sử dụng ngắn.
Giá một chiếc áo sơ mi hàng hiệu bình dân HM ở châu Âu tính ra bằng giá một bữa ăn nhanh là 15 euro (khoảng 420.000 đồng), áo Zara khoảng 35-40 euro. Nhưng về Việt Nam, áo HM có giá trung bình 700.000 đồng, còn áo Zara từ 1,2-1,3 triệu đồng. Một chủ cửa hàng thời trang trên phố Hàng Da (Hà Nội) cho biết mỗi chiếc áo lời 200.000 không phải là nhiều vì vốn bỏ ra lớn, cũng chỉ bằng tiền ship mua hàng online.
Chèn ép hàng nội địa
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, hàng xách tay chính là hàng lậu đang thao túng thị trường, chèn ép hàng nội địa. Sau thời gian kinh doanh tự phát, thăm dò, thị trường hàng xách tay đang có xu hướng bùng nổ. Nhiều shop còn khuếch trương thành siêu thị để tăng mức độ sang trọng và khiến người tiêu dùng tin tưởng.
Theo ông Phú, cả nước hiện có khoảng 700 siêu thị nhưng chỉ có 30% đạt chuẩn, còn lại là người kinh doanh tự nhận để tạo sự tin tưởng của khách hàng. Là người công tác lâu năm trong ngành thương mại, ông Phú phân tích, sở dĩ hàng xách tay có đất sống là vì tâm lý chuộng hàng ngoại và rẻ so với giá chính hãng.
Từ cái kim, sợi chỉ bán trong siêu thị nội địa cũng phải chịu thuế GTGT 5% trong khi hàng xách tay theo người nhập cảnh thẩm lậu vào nội địa nên trốn được thuế. Tuy nhiên, không ai biết có thể đảm bảo chất lượng của loại hàng hóa này, nhất là đồ ăn thức uống…
Đối tượng chuộng hàng xách tay là tầng lớp trung lưu trong xã hội, mua hàng theo phương thức trực tiếp hoặc mua online, mua hàng theo nhóm. Hiện nay trong nhiều bệnh viện hoặc doanh nghiệp lớn đều có một vài đầu mối cung ứng hàng xách tay đến tận nơi mỗi tuần. Sản phẩm có thể là táo, nho và phổ biến là mỹ phẩm, quần áo theo mùa.
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT-Bộ Công Thương), các hành vi vi phạm chủ yếu đối với các cửa hàng kinh doanh hàng xách tay là bán hàng không có nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Trong quá trình kiểm tra, nếu cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa thì được xử lý theo quy định đối với hàng nhập lậu. Mặt hàng bị thu giữ nhiều nhất là mỹ phẩm.
Đơn cử như trong năm 2012 lực lượng QLTT đã xử lý thu giữ 420.782 sản phẩm mỹ phẩm, dầu gội. Trong đó vi phạm chủ yếu là hàng nhập lậu (290.765 sản phầm), vi phạm về nhãn hiệu (122.368 sản phẩm), vi phạm về chất lượng (6.106 sản phẩm)…. Tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 378.522 sản phẩm mỹ phẩm, dầu gội bị thu giữ, trong đó vi phạm chủ yếu là hàng nhập lậu (247.055 sản phầm), vi phạm về nhãn hiệu (77.297 sản phẩm)…/.
Theo Thời báo tài chính
{jcomments on}