Hàng loạt vụ hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, thực phẩm bẩn: Không chỉ là lỗi của doanh nghiệp?

(CL&CS) - Từ những hộp sữa bột kém chất lượng đến bánh kẹo, thực phẩm chức năng giả, hàng loạt vụ việc liên tiếp bị phanh phui gần đây khiến dư luận không khỏi bức xúc. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp vi phạm bị gọi tên, bị xử phạt, thì một câu hỏi khác cũng cần được đặt ra: Vì sao những sản phẩm đó lại có thể tồn tại, lưu hành rộng rãi, thậm chí nhiều năm liền mà không ai phát hiện? Phải chăng, trong cuộc chiến chống hàng giả, thực phẩm bẩn, không chỉ có lỗi của doanh nghiệp, mà còn có phần trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan quản lý nhà nước?.

Hàng loạt vụ việc bị phanh phui

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ…vẫn hoạt động công khai ở nhiều nơi, gia tăng trên môi trường thương mại điện tử với quy mô lớn, thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe Nhân dân.

Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra trong thời gian dài

4 tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm; trong đó, đã khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.

Trong các vụ án đã khởi tố, có những vụ án lớn, điển hình. Cụ thể:

1. Ngày 3/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Sản xuất hàng giả là thực phẩm” và “Lừa dối khách hàng” xảy ra tại Công ty Asia Life, Công ty Chị Em Rọt và một số công ty liên quan tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk; khởi tố 5 bị can.

2. Ngày 10/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”; “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group và các cơ quan, tổ chức liên quan; khởi tố 5 bị can.

3. Ngày 10/4, Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” là màn hình ô tô, khởi tố 1 bị can.

4. Ngày 11/04, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội tội khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm”, khởi tố 1 bị can.

5. Ngày 14/04, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” là sách, khởi tố 3 bị can. Tổng số tang vật thu giữ có 10.080 quyển truyện Doraemon và 2.995 kg bán thành phẩm.

6. Ngày 17/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh kiểm tra hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc về Việt Nam, phát hiện Phạm Thị Vân Anh, 41 tuổi, trú tại phường Trà Cổ, TP Móng Cái có hành vi cất giấu trong người 4 thỏi vàng Au 999,9 trọng lượng 4 kg.

7. Ngày 17/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (vàng), khởi tố 1 bị can. Tang vật thu giữ có 1000,62 gam vàng miếng hàm lượng 99,99%, trị giá khoảng hơn 2,6 tỷ đồng.

8. Ngày 18/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án, khởi tố bị can 4 đối tượng về hành vi “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”. Tang vật vụ án có: 1.948 lu chứa giá đỗ các loại, với tổng khối lượng khoảng 25.000kg giá đỗ; các phụ kiện phục vụ việc sản xuất giá đỗ; 25 lít dung dịch hoá chất “nước kẹo” (tên khoa học là chất 6-Benzylaminopurine (6- BAP)) nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất.

9. Ngày 18/4, Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” là thuốc diệt cỏ giả “BIOGLY88.8SP” của Công ty TNHH Nông Sinh. Từ ngày 21/2 đến ngày 17/4/2025, nhóm đối tượng đã bán ra thị trường 62.455 gói thuốc diệt cỏ giả trên phạm vi toàn quốc, thu lợi bất chính gần 600 triệu đồng.

10. Ngày 20/4, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, khởi tố 14 bị can.

11. Ngày 21/4, Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”, khởi tố 1 bị can. Các sản phẩm thực phẩm bị thu giữ có: chuối sấy giòn, bắp khô bò lá chanh, ngô nếp chiên bơ, đậu phộng mix vị, hoa quả sấy, táo đỏ, bánh nhãn, bánh kem gấu…

12. Ngày 22/4, Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Buôn lậu” do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại dịch vụ vận tải An Khang thực hiện. Tang vật vụ án gồm 253.140 bao thuốc lá ngoại hiệu Manchester không khai báo hải quan; với tổng trị giá hàng hóa vi phạm trên 5,8 tỷ đồng.

13. Ngày 24/4, Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật”, khởi tố 2 bị can, thu giữ 7130 sản phẩm thành phẩm là thuốc bảo vệ thực vật, 20.000 tem nhãn các loại…

14. Ngày 24/4, Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm”, khởi tố 1 bị can; tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả.

15. Ngày 24/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án Buôn lậu (vàng), khởi tố 1 bị can. Tang vật thu giữ có 999,96 gam vàng miếng hàm lượng 99,99%, trị giá khoảng 3,1 tỷ đồng.

16. Ngày 26/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, thu giữ trên 100 tấn với hơn 900 nhãn hiệu thực phẩm chức năng cho người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai, khởi tố 5 bị can.

17. Ngày 5/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm”; thu giữ 40 gói bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO loại 400g.

18. Ngày 7/5, Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” là mỹ phẩm, khởi tố 2 bị can. Cơ sở này đã sản xuất hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm giả, bán trót lọt hơn 100.000 đơn hàng cho các khách hàng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee, Tiktok.

Doanh nghiệp gian dối – Nhưng ai để họ “qua cửa”?

Không thể phủ nhận trách nhiệm chính thuộc về các doanh nghiệp khi cố tình vi phạm, sản xuất hoặc kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để trục lợi. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở việc xử lý doanh nghiệp, thì bài toán vẫn không có lời giải. Nhiều chuyên gia về quản lý thị trường và pháp luật đặt vấn đề: các cơ quan chức năng đã thực sự làm hết trách nhiệm chưa?

Nếu chỉ dừng ở việc xử lý doanh nghiệp, thì bài toán vẫn không có lời giải

Thực tế cho thấy, hàng giả không thể ngang nhiên lên kệ siêu thị, chui vào nhà thuốc, bệnh viện hay vào trường học nếu không có sự buông lỏng, thậm chí là tiếp tay của một số cán bộ quản lý. Bằng chứng rõ ràng nhất là ngày 13/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và Lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế, cùng 4 cán bộ cấp dưới, để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ”.

Đây là diễn biến điều tra mở rộng vụ thu giữ 100 tấn thực phẩm chức năng giả. Các bị can bị khởi tố trong vụ án gồm: Nguyễn Thanh Phong – nguyên Cục trưởng Cục ATTP; Đinh Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Đào tạo an toàn thực phẩm; Nguyễn Thị Minh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Đào tạo an toàn thực phẩm; Lê Thị Hiên – Chuyên viên Trung tâm Ứng dụng và Đào tạo an toàn thực phẩm và Cao Văn Trung – Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục ATTP.

Đây là kết quả của quá trình mở rộng điều tra vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược phẩm liên danh MediPhar, do Nguyễn Năng Mạnh cầm đầu. Trước đó, CQĐT đã thu giữ 100 tấn thực phẩm chức năng giả của đường dây này.

 Một lãnh đạo doanh nghiệp ngành thực phẩm thẳng thắn: "Doanh nghiệp làm sai là đáng bị xử lý. Nhưng khi có người kiểm tra một cách nghiêm túc, không dễ gì sai phạm tồn tại. Còn nếu chỉ kiểm tra theo kiểu hình thức, hoặc có tiêu cực, thì hàng giả vẫn tiếp tục tái diễn”.

Không ai được đứng ngoài cuộc

Khi vấn nạn hàng giả và thực phẩm bẩn vẫn hiện diện trong từng bữa ăn, chai nước, viên thuốc người dân sử dụng mỗi ngày, thì vấn đề không còn dừng ở "thiếu kiểm soát", mà đã là một lỗ hổng lớn trong hệ thống đảm bảo chất lượng và sức khỏe cộng đồng.

Nhiều vụ án nghiêm trọng được khám phá như vụ sữa giả ở Hà Nội, thuốc giả ở Thanh Hóa, thực phẩm giả ở Phú Thọ, thực phẩm chức năng giả ở Hà Nội, hàng giả tại TP.HCM; hàng giả buôn bán tràn lan trên mạng xã hội; tình trạng thao túng, găm hàng, đội giá… tác động, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội.

Có thể thấy, những năm qua, dù các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã rất nỗ lực triển khai công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, buôn lậu và gian lận thương mại. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng, theo các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng vẫn bất chấp quy định, sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả, hàng nhái, là hệ thống pháp luật thiếu sự đồng bộ, có sự chồng chéo trong công tác quản lý…

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các vụ hàng giả nghiêm trọng cho thấy có sự buông lỏng quản lý. Tại cuộc họp về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng và thẳng thắn cho rằng do có sự buông lỏng của một số cơ quan và một số địa phương liên quan.

Người đứng đầu Chính phủ nêu vấn đề: Các cơ quan, địa phương liên quan đã buông lỏng công tác quản lý thời gian qua; vậy trách nhiệm thuộc về ai và cần phải có người chịu trách nhiệm việc này? Tại sao có các cơ quan chức năng nhưng vẫn có tình trạng trên xảy ra, cho đến khi lực lượng công an khởi tố các vụ án, bắt tạm giam các đối tượng. Thủ tướng nói rõ ràng là chúng ta đã buông lỏng quản lý, do đó phải tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, phải có tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm. Tình trạng để lọt hàng chục tấn hàng giả mà một thời gian dài không phát hiện khi mà các đối tượng có kho hàng, có cơ sở sản xuất…

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, chấn chỉnh công tác này bởi thực phẩm giả, thuốc giả… rất nguy hiểm, nếu cứ tuồn vào trong nước, trốn thuế thì hậu quả khôn lường. Thủ tướng cũng yêu cầu cần phân định rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo, bỏ sót, rà soát các quy định pháp luật đã đầy đủ chưa, sự phối hợp các bộ ngành địa phương ra sao. Đồng thời có chỉ thị liên quan, phải kiểm điểm trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương và xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan và có giải pháp khắc phục tình trạng này.

Theo người đứng đầu Chính phủ, buôn lậu, làm cả hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết, trong khi để làm việc này phải có kho bãi, hoạt động mua bán, vận chuyển. Vì thế, theo Thủ tướng, chỉ có 2 khả năng. Một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc, có tiêu cực. Cả hai điều này đều phải xử lý nghiêm, theo lời Thủ tướng. Từ đó, lãnh đạo Chính phủ lưu ý cần thiết kế các chính sách để xử lý được các vấn đề cấp bách hiện nay mà thực tế đang đặt ra, quy định rõ một cơ quan chịu trách nhiệm chính.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan trong quản lý an toàn thực phẩm. Thủ tướng nhấn mạnh phải phân định trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống trong quản lý Nhà nước; đồng thời khẩn trương xây dựng dự án luật để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, các cơ quan cần khẩn trương trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm

Giải pháp cụ thể cho cuộc chiến chống hàng giả, thực phẩm bẩn

Để chống lại “vấn nạn quốc gia” mang tên hàng giả – hàng nhái – thực phẩm bẩn, cần một chiến lược đồng bộ, liên ngành có chế tài mạnh và công cụ minh bạch hóa. Một số giải pháp trọng tâm bao gồm:

-Siết chặt từ gốc như đăng ký, cấp phép và hậu kiểm nghiêm ngặt

Rà soát lại toàn bộ quy trình công bố sản phẩm, đặc biệt với nhóm hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm; Tăng cường hậu kiểm thực chất, kiểm tra đột xuất thay vì chỉ dựa vào hồ sơ giấy tờ; Số hóa toàn bộ quá trình cấp phép và lưu hành, nhằm tránh việc làm giả hồ sơ, hợp thức hóa sai phạm.

- Cơ chế xử phạt đủ sức răn đe

Tăng mức xử phạt tài chính, đặc biệt với doanh nghiệp tái phạm (từ vài chục triệu lên hàng trăm triệu đồng/lần vi phạm); Công khai doanh nghiệp vi phạm trên các phương tiện truyền thông và cổng thông tin chính phủ để cảnh báo người dân; Truy cứu trách nhiệm hình sự trong các vụ vi phạm nghiêm trọng, có ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

- Minh bạch hóa chuỗi cung ứng bằng công nghệ

Áp dụng mã QR, truy xuất nguồn gốc bằng blockchain để kiểm soát từ nguyên liệu đến thành phẩm; Công bố rộng rãi hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm sản phẩm, cho phép người dân truy cập dữ liệu sản phẩm một cách minh bạch; Tăng cường liên kết dữ liệu giữa các bộ ngành

- Tăng vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương

Giao nhiệm vụ giám sát thường xuyên tại địa phương cho lực lượng quản lý thị trường, y tế cơ sở; Huy động mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… vào tuyên truyền tiêu dùng an toàn trong cộng đồng.

- Đẩy mạnh truyền thông và giáo dục người tiêu dùng

Tổ chức chiến dịch truyền thông quốc gia về tiêu dùng thông minh, nhận diện hàng giả; Tăng nội dung cảnh báo người tiêu dùng qua TV, báo điện tử, mạng xã hội; Đưa kiến thức tiêu dùng an toàn vào học đường, đặc biệt ở bậc phổ thông…

Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn không còn chuyện riêng của ngành y tế, quản thị trường hay một vài cuộc thanh tra đột xuất. một bài toán an ninh sức khỏe quốc gia, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống – từ thể chế, quan thực thi đến nhận thức của người tiêu dùng.

TIN LIÊN QUAN