Sở Xây dựng Hà Nội nêu rõ, công trình đưa vào sử dụng từ tháng 12/2012, chủ đầu tư đã lập hồ sơ hoàn công một số hạng mục nhưng chưa hoàn thiện toàn bộ hoàn công của công trình, chưa tổ chức nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng. Việc chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình là vi phạm điểm d khoản 1 Điều 16 Nghị định số 121/2013/ND-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh BĐS, khai thác khoáng sản, khai thác sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở.
Về thang bộ giữa tòa nhà B: Chủ đầu tư thi công xây dựng cầu thang bộ tại trục giữa tòa nhà B không thông từ kỹ thuật mái xuống tầng 1 là sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp, vi phạm điểm C khoản 5 Điều 13 Nghị định số 121/2013/ND-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ.
Chủ đầu tư đã tự ý cơi nới, xây thêm các căn hộ Penthhouse tại tầng kỹ thuật mái và mái của cả 2 tòa nhà A và B. |
Về hiện trạng tại tầng kỹ thuật, tầng kỹ thuật mái và tầng mái của 2 tòa A và tòa B: Việc chủ đầu tư đã xây dựng các căn hộ Penthouse tại tầng kỹ thuật mái và tầng mái tòa nhà A, B và việc sử dụng 1/2 diện tích tầng kỹ thuật tòa nhà B để làm văn phòng cho thuê là sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp và sử dụng sai mục đích sử dụng. Vi phạm điểm C khoản 5 Điều 13 và điểm d khoản 3 Điều 55 Nghị định số 121/2013/ND-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ.
Việc chủ đầu tư tổ chức xây dựng thêm một số hạng mục công trình không có trong giấy phép xây dựng (không có trong bản vẽ quy hoạch mặt bằng tổng thể đã được duyệt) là vi phạm điểm C khoản 6 Điều 13 Nghị định 121/2013/ND-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ.
Ngoài ra, chủ đầu tư đã tự ý cơi nới, xây thêm các căn hộ Penthhouse tại tầng kỹ thuật mái và mái của cả 2 tòa nhà A và B. Sử dụng một nửa diện tích tầng hầm kỹ thuật tòa nhà B làm văn phòng cho thuê. Khu thang bộ giữa tòa nhà B bị đập phá và sửa chữa sai thiết kế ban đầu dẫn đến việc cư dân không thể đi thang bộ từ tầng 4 xuống tầng 1… Đối với hành vi xây dựng các căn hộ Penthouse tại tầng kỹ thuật mái và tầng mái của tòa A, B sai nội dung giấy phép xây dựng số 92/GP/SXD và sử dụng sai công năng được duyệt. Về việc này Sở Xây dựng đã có văn bản số 7988/SXD-TTr ngày 01/9/2015 báo cáo UBND thành phố Hà Nội.
Chây ì bàn giao 2% phí bảo trì
Bên cạnh hàng loạt sai phạm được cơ quan chức năng vạch ra, cư dân Sky City 88 Láng Hạ còn “tố” thêm nhiều sai phạm của chủ đầu tư như: Dù bàn giao nhà từ năm 2010, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện xong hệ thống gas tổng; chưa bàn giao hồ sơ pháp lý liên quan đến tòa nhà; chưa bàn giao chi tiết hồ sơ hệ thống kỹ thuật theo quy định của pháp luật; cũng như đặt hệ thống giải nhiệt của Trung tâm thể dục California không đúng vị trí gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động xây dựng tại tổ hợp công trình nhà ở, dịch vụ công cộng và văn phòng số 88 Láng Hạ của Cty Hanotex phải bị xử phạt vi phạm hành chính và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Nhưng do công trình đã đưa vào sử dụng từ tháng 12/2010, căn cứ thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 4 Nghị định số 121/2013.ND-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ thì lỗi vi phạm trên đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, nên Đoàn kiểm tra không tiến hành xử phạt đối với chủ đầu tư.
Người dân Sky City 88 Láng Hạ căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả phí bảo trì. |
Tuy nhiên, để khắc phục hậu quả cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của cư dân, Sở xây dựng Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương bàn giao hồ sơ kỹ thuật của tòa nhà, hệ thống Gas trung tâm, hệ thông PCCC cho Ban quản trị tòa nhà; tiếp tục khắc phục tiếng ồn và hệ thống điều hòa trung tâm chiler theo tiến độ và nội dung tại kết luận cuộc họp ngày 21/7/2015.
Bên cạnh đó theo đại diện Ban quản trị tòa nhà Sky City 88 Láng Hạ, theo quy định của Luật Nhà ở, phí bảo trì chung cư là 2% trị giá hợp đồng mua bán căn (chưa VAT), phần chủ đầu tư giữ lại sẽ được tính là 2% tính theo giá bán căn hộ cao nhất. Phí này sẽ được chủ đầu tư bàn giao cho Ban quản trị trong vòng 15 ngày kể từ ngày thành lập Ban quản trị được chính quyền địa phương công nhận. Thế nhưng, sau 5 năm đi vào hoạt động, Ban quản trị tòa nhà Sky City Towers vẫn chưa nhận được đúng và đủ khoản kinh phí này từ Chủ đầu tư Hanotex. Cụ thể theo tính toán đến nay chủ đầu tư còn phải hoàn trả cho cư dân hơn 30 tỷ đồng nữa.
Theo thông tin của Báo Người tiêu dùng, Ban quản trị tòa nhà Sky City Tower 88 Láng Hạ đã gửi đơn ra tòa kiện chủ đầu ty là Cty TNHH Hanotex ra tòa án dân sự quận Đống Đa. Tuy nhiên với lý do Ban quản trị chưa đủ tư cách pháp nhân như không có con dấu nên tòa đã trả lại đơn.
Về vấn đề này luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết, người dân tại dự án Sky City Tower 88 Láng Hạ có thể ký đơn tập thể (tối thiểu trên 50% số dân) cử đại diện tiếp tục làm đơn kiện ra tòa để đòi quyền lợi chính đáng của mình.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc yêu cầu chủ đầu tư hoàn lại phí bảo trì 2%, Chính phủ đã ban hành Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật nhà ở. Trong đó nghị định quy định rất rõ nếu chủ đầu tư cố tình chây ì không bàn giao phí bảo trì sẽ bị các cơ quan chức năng cưỡng chế.
Trường hợp quá thời hạn quy định hiện hành mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao kinh phí thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này cho chủ đầu tư, Ban quản trị và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản; trong quyết định cưỡng chế, UBND cấp tỉnh phải ghi rõ số kinh phí chủ đầu tư phải bàn giao sau khi trừ kinh phí mà chủ đầu tư phải sử dụng để bảo trì phần sở hữu chung nếu có.
Biện pháp cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì bao gồm việc buộc chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì được gửi từ tài khoản đã lập theo quy định hoặc chuyển kinh phí từ tài khoản khác của chủ đầu tư sang tài khoản do Ban quản trị quản lý hoặc xử lý tài sản của chủ đầu tư. Việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế. Kinh phí phải bàn giao là toàn bộ số tiền bảo trì (cả gốc và lãi) theo số liệu kinh phí mà các bên đã quyết toán; nếu các bên không thống nhất quyết toán số liệu thì bàn giao theo số liệu ghi trong quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh.
Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư hoặc quản lý tài khoản khác của chủ đầu tư theo quyết định cưỡng chế có trách nhiệm chuyển kinh phí sang tài khoản do Ban quản trị lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở và quyết định cưỡng chế; trường hợp phải xử lý tài sản của chủ đầu tư để thu hồi kinh phí bảo trì cho Ban quản trị thì trong quyết định cưỡng chế, UBND cấp tỉnh phải nêu rõ biện pháp xử lý tài sản, trách nhiệm của đơn vị xử lý tài sản, hình thức xử lý và việc chuyển giao kinh phí thu hồi cho Ban quản trị.
“Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì UBND cấp tỉnh phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật” – Nghị định nêu rõ.
Tin tức mới nhất mời bạn đọc xem thêm tại đây.
Bình Minh