Hàng loạt sai phạm của TP. Hải Phòng được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ

(NTD) - Thanh tra Chính phủ vừa ra thông báo kết luận thanh tra việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng tại TP Hải Phòng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay giai đoạn 2010-2017.

Theo Thanh tra Chính phủ, giai đoạn từ 2010 -2015 việc phân bổ vốn đầu tư chưa tập trung, còn dàn trải, dẫn đến nhiều dự án không bố trí được kế hoạch vốn, kéo dài thời gian thực hiện dự án, hiệu quả đầu tư thấp lãng phí vốn đầu tư như dự án Đê biển Bạch Đằng (giai đoạn 2) phải dừng thực hiện, Dự án Đê tả Lạch Tray phê duyệt năm 2010 đến nay bố trí được 53% kế hoạch vốn, Dự án cải tạo nâng cấp đường 356 phê duyệt năm 2010 đến nay mới bố trí được 22,1% kế hoạch vốn, không hoàn thành dự án theo kế hoạch.

Việc xác định cơ cấu nguồn vốn không có cơ sở thực hiện như vốn Trung ương, vốn của địa phương và nguồn vốn khác dẫn đến thực hiện dự án không khả thi, mất cân đối, kéo dài như dự án đường bao phía Đông Nam quận Hải An phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư điều chỉnh năm 2012 là 2.066 tỷ đồng, vốn bố trí đạt 24,5% theo kế hoạch; trong đó vốn Trung ương bố trí được 360/1.300 tỷ đồng, nguồn vốn khác không bố trí được.

Dự án đê biển Nam Đình Vũ phê duyệt năm 2010, tổng mức đầu tư gần 3.249 tỷ đồng nhưng đến nay vốn bố trí cho dự án đạt 3,5% (vốn Trung ương 113,157 tỷ/848 tỷ, vốn địa phương 2.400 tỷ không bố trí được) dự án dừng thực hiện. Dự án Tuyến đường trục chính 100m Lạch Tray- Hồ Đông phê duyệt năm 2007, tổng mức đầu tư trên 4.384 tỷ đồng, đến nay vốn bố trí được 2,8%, trong đó vốn địa phương gần 115 tỷ triệu đồng và vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ 10 tỷ đồng, để tiếp tục thực hiện dự án trên gặp khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện hiệu quả đầu tư không đạt mục tiêu, lãng phí chỉ phí đầu tư.

Một góc của TP. Hải Phòng (ảnh minh họa). 

Theo Thanh tra Chính phủ, công tác khảo sát, lập dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư một số dự án phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thực hiện. Việc phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư cơ bản tăng chi phí đầu tư từ 40% đến 100% như: Dự án đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Trần Phú (giai đoạn 1); Dự án đầu tư xây dựng cầu Khuể - Hải Phòng; Dự án xây dựng công trình khu nhà ở sinh viên giai đoạn 1. Có dự án tăng gấp 3 lần tổng mức đầu tư như Dự án Khu neo đậu tầu cá Cát Bà do thay đổi lớn quy mô, kết cấu, cắt giảm hạng mục này, tăng khối lượng giá trị đối với hạng mục khác với giá trị lớn vượt so với giá trị được phê duyệt ban đầu.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra một số dự án được phê duyệt cho thấy chất lượng thiết kế, thẩm định và phê duyệt thiết kế còn hạn chế, quá trình thực hiện đã phải điều chỉnh bổ sung như: Dự án nút giao Lê Hồng Phong- Nguyễn Bỉnh Khiêm, được duyệt năm 2016 thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư thiếu hạng mục chính như khối lượng thép cọc khoan nhồi, phần điện chiếu sáng. Ngoài ra, việc chuyển đổi hình thức đầu tư xây dựng chuyển giao BT được Thủ tướng cho phép sang đầu tư bằng ngân sách nhà nước nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ như Dự án đầu tư xây dựng cầu Khuể, Hải Phòng là không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Trách nhiệm thuộc UBND thành phố Hải Phòng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các công trình cầu Hải Phòng.

Về sai phạm tài chính, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện tổng sai phạm tài chính ở một số dự án là hơn 59 tỷ đồng. Trong đó: Dự án cải tạo nâng cấp đường 356 đoạn 2A từ ngã 3 Nguyễn Bình Khiêm đến đập Đình Vũ, Km0-Km2+231, đề nghị giảm trừ 2,779 tỷ đồng. Trong đó gói thầu xây lắp số 12, thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị là 953,553 triệu đồng, gói thầu số 12A xây lắp phần cầu vượt 1,826 tỷ đồng. Dự án Xây dựng nút giao khác mức giữa đường Lê Hồng Phong với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đề nghị giảm trừ giá trị hợp đồng gói thầu số 5 xây lắp nút giao khác mức 815,885 triệu đồng.

Dự án kiên cố hóa và điều chỉnh hướng tuyến đê tả Lạch Tray, từ An Đồng đến cầu Rào, đoạn từ K19+000 đến K23+160 và K24+118 đến K26+130, đề nghị giảm trừ 2,473 tỷ đồng. Trong đó điều chỉnh giảm chi phí dự phòng trong dự toán là 2,082 tỷ đồng; còn lại giảm trừ thanh, quyết toán các gói thầu 04a, 06a, và 08a. Dự án củng cố nâng cấp đê biển Bạch Đằng Km0-Km14+500 đề nghị giảm trừ 1,376 tỷ đồng. Trong đó gói thầu số 4 củng cố, nâng cấp đê biển Bạch Đằng từ K2+900 đến K8+750 và xây mới cống Mi Sơn là 443,361 triệu đồng; gói thầu số 13 hoàn thiện mặt cắt đê, cứng hóa mặt đê, kè mái đê biển từ K8+750 đến K13+420 là 932,840 triệu đồng.

Dự án đầu tư xây dựng bao phí Đông Nam quận Hải An, đề nghị giảm trừ 7,036 tỷ đồng. Trong đó gói thầu thi công chống mối công trình 449,305 triệu đồng; còn lại là các gói thầu số 02, gói 03, gói 04. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục chính giao thông Khu đô thị và Khu công nghiệp Bến Rừng, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, kiểm tra chi phí hợp đồng xây dựng gói thầu xây lắp số 10A đề nghị giảm trừ 2,277 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Gói thầu rà phá bom mình vật liệu nổ đề nghị giảm trừ 3,633 tỷ đồng (gồm Tổng công ty XD Trường Sơn 2,594 tỷ đồng; Lữ đoàn 299 - Quân đoàn 1 là 1,039 tỷ đồng). Dự án xây dựng cầu Khuể Hải Phòng đề nghị giảm trừ 4,248 tỷ đồng; Dự án xây dựng cầu Hàn đề nghị phê duyệt dự toán giảm trừ 7,603 tỷ đồng; Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm đề nghị giảm trừ 4,434 tỷ đồng; Dự án tuyến đường trục chính 100m Lạch Tray - Hồ Đông, đề nghị giảm trừ 1,501 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông Khê 2 (giai đoạn 1), quận Ngô Quyền đề nghị giảm trừ 373,297 triệu đồng.

Từ những nội dung kết luận trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc đề xuất, chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến những bất cập, tồn tại trong thực hiện quy hoạch, công tác bố trí vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng. Kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND TP Hải Phòng phụ trách đầu tư xây dựng qua các thời kỳ để xảy ra sai phạm, khuyết điểm đã nêu trong kết luận thanh tra. UBND TP Hải Phòng chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và các chủ đầu tư kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm về sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư các dự án, chấn chỉnh và có biện pháp khắc phục những tồn tại.

Ngọc An