Trong năm 2017 và năm 2018, lực lượng QLTT phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trên 121,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 907 tỷ đồng. Trong đó hàng hóa giả về chất lượng, công dụng 458 vụ vi phạm, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì 6.154 vụ; 690 vụ vi phạm tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả; 1.064 vụ vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT); 26.367 vụ vi phạm về nhãn hàng hoá.
Toàn cảnh diễn đàn |
Một số mặt hàng vi phạm nổi cộm trong thời gian vừa qua, gồm: thực phẩm (mỳ chính, bánh mứt kẹo, đồ uống, rượu bia, thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm chức năng); vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi); dược phẩm (Đông dược, tân dược ngoại nhập); vật liệu xây dựng; phụ tùng ô tô, xe máy; xe máy điện, xe đạp điện; hàng tiêu dùng, thời trang,…. Vi phạm chủ yếu về gian lận xuất xứ, chất lượng, xâm phạm quyền SHTT, giả mạo nhãn hiệu.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó cục trưởng, Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT cho biết, hiện tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền SHTT là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân; môi sinh, môi trường; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và môi trường đầu tư, du lịch. Nạn hàng giả, xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.
Theo ông Phan Ngân Sơn, Phó cục trưởng, Cục SHTT, Bộ KH&CN, thách thức từ các hiệp định thương mại tự do ngày càng cao hơn, buộc các chủ thể tham gia phải tuân thủ quyền SHTT. Tuy nhiên, các chế tài xử phạt Việt Nam lại chưa đủ sức răn đe, chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, việc tôn trọng quyền SHTT chưa được chặt chẽ.
Nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng "nhái", đại diện Tổng cục QLTT cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiệp vụ giám sát, ngăn chặn phù hợp nhằm tạo được hiệu ứng tích cực trên thị trường.
Đối với từng địa bàn cụ thể, đặc biệt tại các khu vực kinh doanh tập trung, QLTT sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn tới từng DN, hộ kinh doanh, như: tổ chức ký cam kết, hướng dẫn trực tiếp để DN nâng cao ý thức, không buôn bán, kinh doanh hàng giả, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục hải quan) cho biết, để tăng cường kiểm soát chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa vào Việt Nam, cơ quan này vẫn đang tiếp tục xác minh làm rõ thêm tính chất, mức độ của các hành vi vi phạm về dấu hiệu làm giả hồ sơ, giấy tờ… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận.
Thanh Mai