Hạn chế tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cho cộng đồng

(NTD) - "Vi chất dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, trí tuệ và tầm vóc người Việt Nam" là thông điệp chính tại Hội nghị nhân Ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6/2015) nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng.

Chiều ngày 25/5/2015, tại Viện dinh dưỡng ( 48B Tăng Bạt Hổ - Hà Nội), Viện dinh dưỡng (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị nhân Ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6/2015).

Tham dự hội nghị có Phó Gs.Ts.Lê Danh Tuyên Viện trưởng VDD; PGs.Ts Lê Bạch Mai Phó viện trưởng VDD; PGs.Ts Nguyễn Thị Lâm Phó Viện trưởng VDD; các bác sỹ tại VDD; cùng đông đảo phóng viên các báo, đài.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghi, PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng VDD cho biết: “Đói không chỉ là thiếu lương thực - thực phẩm, mà còn có phần chìm của tảng băng rất lớn về thiếu vi chất dinh dưỡng. Hiện nay, chúng ta đè cập đến 4 nội dung quan trọng là: vấn đề thiếu Vitamin A, vấn đề thiếu sắt, vẫn đề thiếu I-ốt và vấn đề thiếu kẽm”.

Trong những năm qua, công tác phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên tỉ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu iốt vẫn là vẫn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.

 PGS.TS  Lê Bạch Mai phát biểu tại Hội Nghị

Tại hội nghị, đại diện VDD đã cung cấp thông tin về thực trạng một số bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam, ảnh hưởng về sức khỏe do thiếu vi chất dinh dưỡng, từ đó đưa ra chiến lược thanh toán thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam.

Đại diện viện dinh dưỡng trao đổi, giải đáp các câu hỏi về Vi chất dinh dưỡng

Tăng cường vi chất dinh dưỡng cho các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày. Tăng cường vi chất  dinh d­ưỡng vào thực phẩm đã được áp dụng ở nhiều nước từ đầu thế kỷ 20 và được Trung tâm Copenhagen Consensus 2012 xếp loại là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất trong phát triển toàn cầu và là giải pháp đã được WHO, WFP, UNICEF, FAO và World Bank khuyến nghị để thanh toán thiếu vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, gây được nhu cầu cho người tiêu dùng đối với các thực phẩm tăng cường vi chất là điều kiện để thực hiện có kết quả chương trình phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng. 

Chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng hiện nay là kết hợp đồng thời các giải pháp. Bổ sung vi chất dinh dưỡng là một giải pháp quan trọng, cần thiết để khắc phục nhanh chóng. Tăng cường vi chất vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hóa bữa ăn là biện pháp lâu dài và bền vững. Các tổ chức quốc tế UNICEF, WHO,...đang tích cực hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, chính sách, và kinh phí để triển khai các chương trình phòng chống thiếu dinh dưỡng.

Ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6) năm nay, Viện Dinh dưỡng đã cấp hơn 6 triệu liều viên nang vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, bà mẹ sau đẻ trong vòng 1 tháng được bổ sung viên nang vitamin A ở 63 tỉnh/thành, trẻ từ 37- 60 tháng tuổi được uống viên nang vitamin A và trên 1 triệu thuôc tẩy giun cho trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn.

Một trong những giải pháp quan trọng trong phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là: Tăng cường công tác truyền thông để nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho toàn dân; khuyến khích sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng; thực hiện cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu

Để góp phần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, PGS, TS Lê Bạch Mai khuyến cáo các gia đình hãy thực hiện những công việc sau: Đa dạng bữa ăn; nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; bữa ăn bổ sung của trẻ cần có các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng; trẻ em trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm; trẻ từ 20-60 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm; phụ nữ trước và trong khi mang thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn; sử dụng muối iốt trong bữa ăn hàng ngày.

Thông tin chi tiết về người tiêu dùng, độc giả có thể tham khảo tại đây.

Thúy Trang

Nên đọc