Vài năm gần đây, Hải Phòng liên tục có những công trình giao thông mới làm thay đổi bộ mặt thành phố. Từ đầu năm đến nay, thành phố có 3 sự kiện giao thông lớn gồm thông xe nút giao nam cầu Bính, khởi công dự án tuyến đường vào khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ và thông xe dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng.
Một góc Hải Phòng hôm nay. |
Trong 4 tháng đầu năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế, xã hội của cả nước và thành phố, là địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng Hải Phòng đã thành công bước đầu trong kiểm soát. Hải Phòng không để dịch bệnh xâm nhập, không có ca dương tính với virus SARS-CoV-2, thành phố an toàn trong suốt thời gian qua.
Theo số liệu thống kê, tổng sản phẩm GRDP quý 1/2020 của Hải Phòng tăng 14,9%, gấp 3,92 lần cả nước, cao hơn các thành phố khác như: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 6.196 USD, vượt mục tiêu đề ra (5.600 USD), gấp 2,4 lần so với năm 2015 và gấp hai lần bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đạt gần 26.000 tỷ đồng.
Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo Hải Phòng về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hải Phòng cần chú trọng phát triển 3 trụ cột chiến lược là kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao và du lịch từ nay đến năm 2045.
Kinh tế biển phải phát triển lên cách mạng công nghiệp 4.0. Hải Phòng trở thành địa phương giàu từ biển, là địa phương trọng điểm về kinh tế biển của cả nước. Hải Phòng cũng phải trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, đây là hướng phát triển chiến lược của thành phố. Thủ tướng cũng nhấn mạnh hướng đi chính của thành phố là phát triển công nghiệp trên nền công nghệ cao; tạo điều kiện cho một số lĩnh vực công nghiệp mang tính đặc thù, thế mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý đến mục tiêu phát triển du lịch chất lượng cao - một lĩnh vực phát triển quan trọng của thành phố kết nối giữa Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, liên kết vùng trong phát triển du lịch, dịch vụ.
Liên quan đến việc phát triển đô thị, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu Hải Phòng phải trở thành một đô thị thông minh, hiện đại gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, một thành phố đáng sống. Do đó, thành phố cần chú ý phát triển quy hoạch không gian đô thị đi trước một bước trên cơ sở tích hợp các yêu cầu phát triển bền vững; hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính sang phía Bắc sông Cấm; phát triển đô thị vệ tinh có quy mô hợp lý, phù hợp với trình độ quản lý và khả năng huy động các nguồn lực xã hội với phương châm Nhà nước quy hoạch, doanh nghiệp thực hiện, người dân cùng tham gia.
Thủ tướng đề nghị Hải Phòng cần phân kỳ phát triển một cách khoa học, theo từng giai đoạn phù hợp với quy hoạch phát triển; phấn đấu đến năm 2030, Hải Phòng đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Cùng với đó, Hải Phòng phải trở thành một trung tâm y tế, giáo dục đào tạo và khoa học và công nghệ ở vùng duyên hải Bắc bộ.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng định hướng cần có cơ chế đặc thù cho Hải Phòng cất cánh, bay cao hơn, xa hơn. Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu, hỗ trợ trình Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành để sớm tạo khuôn khổ thể chế cho Hải Phòng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh việc ghi nhận nhiều thành tựu của thành phố, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế, đặc biệt là việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển.
Trong tương lai, Thủ tướng định hướng thành phố nghiên cứu xây dựng hệ thống tàu điện ngầm. Đến năm 2045, Hải Phòng phải phấn đấu có trình độ phát triển cao trong nhóm thành phố hàng đầu châu Á.
Chi Lê