Hãi hùng thực phẩm bẩn - Bài 1: Ma trận hương liệu, chất tạo mùi độc hại

(NTD) - Tại chợ Kim Biên, chợ Bình Tây… đang được mệnh danh là “thủ phủ” của các loại hương liệu, hóa chất. Chỉ cần một chút chất phụ gia thực phẩm, chút hương liệu tạo màu, tạo mùi... đã có thể biến nước lã thành một nồi nước lèo thơm phức hay hàng chục ly nước giải khát trông rất bắt mắt.

Ma trận hương liệu, chất tạo màu, tạo mùi

Tại chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM), trong vai người mua sỉ để bỏ mối tại các tỉnh, chúng tôi vào sạp Y.B., chuyên bán cả trăm loại hóa chất, chủ yếu là hóa chất phụ gia thực phẩm, công nghiệp. Có tới hàng chục loại hương liệu được dùng tạo mùi cho nước lèo để nấu bún bò, bún riêu, phở bò, phở gà, phá lấu... Bà chủ cửa hàng mang ra một chai lớn có ghi “Hương bò” để tạo nên hương vị bò dùng nấu bún bò hay làm chả bò… bán với giá 260.000 đồng/chai. Trên chai có ghi Công ty Việt Đức Nhật sản xuất, nhưng không có địa chỉ cụ thể của công ty. “Một chai có thể dùng nấu rất nhiều lần, tạo mùi thơm giống hệt thịt bò nhằm tăng hương vị cho nước lèo. Nhiều chủ tiệm phở, bún bò hay mua loại này” - chủ tiệm khẳng định.

 
Lực lượng chức năng đang kiểm tra việc kinh doanh hóa chất, hương liệu tại chợ Kim Biên.

Tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), chúng tôi vào cửa hàng N.X. ở đường Phan Văn Khỏe. Nghe chúng tôi hỏi mua các loại hương liệu, sirô về bán nước giải khát trong trường học, bà chủ nhanh nhẩu giới thiệu hàng chục loại nước dâu, me, cam, bạc hà, chanh dây... mà không có loại nào giá trên 20.000 đồng. Cũng tại cửa hàng này, khi chúng tôi hỏi về nguyên liệu chế biến nước dùng lẩu Thái, bà chủ đưa ra 2 loại có ghi là sản phẩm của Lobo nhập từ Thái Lan. Khi chúng tôi thắc mắc cùng một loại sản phẩm nhưng giá khác nhau, bà chủ giải thích: “2 loại này đều như nhau, giá có chênh lệch bởi một loại có dán nhãn phụ. Sau này muốn lấy hàng nhiều cứ đến đây”.

Tìm đến phường Phú Trung, Q.Tân Phú - là nơi cơ sở phân phối được in trên bao bì của các sản phẩm làm trân châu, hồng trà, chúng tôi được chị Thu, một nhân viên của cơ sở này, đưa cho xem một số mặt hàng liên quan trà sữa mà cơ sở đang sản xuất cũng như phân phối. Trong đó có các loại trân châu đủ màu, mỗi màu có một hương vị riêng, như hương sầu riêng, dâu, môn... Ngoài ra, cơ sở còn có các loại bột sữa khác mà chị Thu cho biết là hàng nhập khẩu từ Malaysia và Đài Loan...

Chị Thu cho biết thêm, các loại trân châu, hồng trà được làm ở huyện Bình Chánh, còn địa chỉ này chỉ là nơi bán và phân phối. Về những giấy tờ liên quan an toàn thực phẩm, chị trả lời: “Giấy tờ có đầy đủ, mỗi mặt hàng đều có giấy riêng, nhưng công ty chỉ cung cấp bản photocopy thôi!”. Về nguyên liệu tạo màu cho các loại trân châu, thì hầu như tất cả nhân viên cơ sở này đều không biết, chỉ nói rằng mỗi màu có mỗi mùi hương khác nhau.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các loại bột, như bột khoai môn, bột sữa béo... trên bao bì đều không ghi rõ nguồn gốc cũng như thành phần, công dụng, hạn sử dụng.

 
 
Một số hóa chất, hương liệu bày bán tại chợ Kim Biên.

Hóa chất thành cà phê

Theo chân T., từng là chủ một quán cà phê cóc ở quận Tân Phú, chúng tôi có mặt tại một cửa hàng hóa chất, phụ gia ở đường Phan Văn Khỏe, là khách ruột của quán, chuyên mua các loại hương liệu, phụ gia phục vụ việc chế biến cà phê, đồ uống. Cửa hàng rộng khoảng 15 m2, xung quanh chi chít chai lọ đựng hóa chất và phụ gia thực phẩm; mùi hóa chất nồng nặc. Có hai người đàn ông đứng bán tại cửa hàng.

T. giới thiệu chúng tôi với chủ quán: “Anh em mới mở quán cà phê nhưng vì giá mặt bằng quá cao, nên cần mua hương liệu và phụ gia dùng để pha chế”. Không chút nghi ngại, nam thanh niên xách một can nhựa lớn giấu từ hộc bàn đặt lên giới thiệu. Trên can nhựa có nét chữ nguệch ngoạc “Cafe Mỹ”. Mở nắp can cho khách ngửi, nam thanh niên nói: “Đây là hương cà phê Mỹ chính gốc. Chỉ cần một giọt là đủ tạo hương cho ly cà phê đầy”.

Thấy khách nghi ngờ về nguồn gốc, nam thanh niên này quả quyết: “Cà phê Mỹ, chất lượng bảo đảm. Cứ an tâm”. Chúng tôi thắc mắc việc “bảo đảm” nhưng sao lại phải giấu đi, anh này bối rối: “Giấu đi là để qua mắt quản lý thị trường. Họ (quản lý thị trường) vào hỏi thì nói không có. Anh em quen biết, chúng tôi mới bán”. Giá loại “Cafe Mỹ” này được cửa hàng bán với giá 350.000 đồng/kg.

 
Hoạt động kinh doanh mua bán hương liệu, hóa chất tại chợ Kim Biên

“Anh em mới lần đầu nên mua 1 lạng dùng thử thôi. Bảo đảm khách uống cà phê sẽ mê” - nam thanh niên vừa nói vừa chiết hương liệu qua chai nước suối nhỏ, cân đúng 1 lạng (35.000 đồng) rồi đưa cho khách. Hỏi về cách sử dụng, người này hướng dẫn: Mang về rồi chiết qua lọ thuốc nhỏ mắt. Khi pha cà phê chỉ cần nhỏ 1 giọt vào phin pha, thì bảo đảm có vị đắng và thơm của cà phê dù đã pha chế mấy lần. Anh này còn dặn: Dùng nhớ khôn khéo, dùng xong nhớ giấu đi. “Cứ yên tâm mà dùng. Chỉ cần 1 lạng, các anh có thể chế được cho 2.000 ly cà phê” - nam nhân viên nói.

Theo T., dùng loại hương liệu này sẽ đem lại siêu lợi nhuận, bởi nếu một phin cà phê sau nước đầu tiên sẽ nhạt và mất dần mùi vị, nhưng chỉ cần nhỏ một giọt này vào thì mùi vị của cà phê sẽ như ban đầu, khách không thể phân biệt đâu là cà phê thật, đâu là cà phê đã pha chế phụ gia, hương liệu.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Ban quản lý Chợ Kim Biên cho biết chợ không có chủ trương ưu tiên phát triển kinh doanh hóa chất bởi mặt bằng ở đây quá chật chội và không đủ điều kiện bảo quản. “Chúng tôi cũng từng kiến nghị các cơ quan chức năng lập nên một khu mua bán hóa chất tập trung giống như chợ đầu mối, như thế sẽ dễ dàng kiểm soát chất lượng sản phẩm hơn. Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện và xử phạt những người sử dụng chất phụ gia độc hại hoặc quá liều lượng cho phép” - vị đại diện này cho biết.

Thực tế, dù các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt và chế tài những cơ sở kinh doanh, sản xuất vi phạm, song tình trạng sử dụng phụ gia hóa chất độc hại trong thực phẩm vẫn diễn ra. Nhất là hiện nay nhiều chất phụ gia độc hại được bán trôi nổi công khai khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại.

 Cao Tuấn

 
Nên đọc