Hà Tĩnh có sản phẩm lúa, gạo đầu tiên được cấp chứng nhận hữu cơ

(CL&CS)- Cẩm Xuyên là huyện đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh có sản phẩm lúa, gạo được cấp chứng nhận theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ.

Cẩm Xuyên là huyện đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh có sản phẩm lúa, gạo được cấp chứng nhận theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ, áp dụng phương pháp mạ khay máy cấy, dùng phân bón cho sản xuất hữu cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.

Gạo hữu cơ ST25 của Công ty CP Hòa Lạc IEC được sản xuất ở vùng lúa gạo hữu cơ rộng 5 ha ở thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình. Theo đó, vùng sản xuất thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình áp dụng hoàn toàn quy trình sản xuất hữu cơ theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ; áp dụng phương pháp mạ khay máy cấy, dùng phân bón cho sản xuất hữu cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.

Để được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, Tổ hợp tác Sản xuất lúa thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình đã chuyển đổi đất và sản xuất 4 vụ liên tiếp (từ vụ xuân năm 2023 đến nay) theo quy trình hữu cơ. Đây là địa phương đầu tiên trên toàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận sản phẩm lúa hữu cơ.

Hà Tĩnh có sản phẩm lúa, gạo đầu tiên được cấp chứng nhận theo Tiêu chuẩn Việt Nam 

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, UBND huyện Cẩm Xuyên đã trao giấy chứng nhận sản phẩm lúa hữu cơ cho Tổ hợp tác Sản xuất lúa hữu cơ thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình và trao giấy chứng nhận sản phẩm gạo hữu cơ cho sản phẩm gạo ST25 của Công ty CP Hòa Lạc IEC. Các chứng nhận này đều do Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận TQC CGLOBAL (Hà Nội) cấp theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017 và TCVN 22041-5:2018. 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho rằng, dù diện tích lúa cũng như sản phẩm gạo được công nhận hữu cơ là rất nhỏ so với tổng diện tích và sản lượng lúa của toàn huyện nhưng sản phẩm lúa gạo ST25 được trao chứng nhận hữu cơ là một minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người nông dân tại huyện Cẩm Xuyên, nói không với hoá chất, sản xuất nguồn thực phẩm sạch. Đồng thời cho thấy, định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hữu cơ của Cẩm Xuyên đang là hướng đi đúng, tiềm năng, đem lại giá trị kinh tế cao góp phần thay đổi cuộc sống của bà con nông dân. Đây là bước khởi đầu tạo tiền đề cho xu hướng phát triển sản xuất hữu cơ trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục chuyển đổi để được cấp chứng nhận sản phẩm lúa gạo hữu cơ ở các vùng đang triển khai mô hình với tổng diện tích gần 100 ha trên toàn huyện.

TIN LIÊN QUAN