Mặc dù nằm “sát vách” TP.HCM nhưng lâu nay Long An vẫn “chậm một bước” so với Bình Dương, Đồng Nai bởi cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chậm phát triển hơn các địa trên.
Để không phải bị bỏ lại phía sau, mới đây hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối TP.HCM đã và đang được tỉnh này tập trung đẩy mạnh đầu tư. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2025, Long An đã đề xuất đầu tư 9 dự án kết nối giao thông với TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng.
Trong số đó, dự án tỉnh lộ 823D đã được khởi công trong tháng 12/2021 có chiều dài 14km với điểm đầu giáp TP.HCM, điểm cuối tại nút giao thông N2, vòng xoay thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa. Dự án có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng.
Dự án đường Lương Hòa - Bình Chánh với chiều dài khoảng 6,2km, tổng vốn đầu tư 2.270 tỷ đồng dự kiến khởi công vào đầu năm 2022.
Cũng trong năm 2022, dự án tuyến tỉnh lộ 827E có chiều dài khoảng 16km, tổng vốn đầu tư 2.153 tỷ đồng cũng sẽ được khởi công. Dự án có điểm đầu tại vòng xoay ngã năm thị trấn Cần Giuộc, điểm cuối sông Vàm Cỏ Đông. Tuyến giao thông này sẽ giúp kết nối giao thông khu vực phía Nam TP.HCM đến Cần Giuộc.
Những dự án hạ tầng giao thông trên khi hoàn thành sẽ đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Long An. Trong đó, thị trường bất động sản vốn rất tiềm năng của địa phương này sẽ được hưởng lợi.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ trong thời gian gần đây, cộng với mặt bằng giá còn thấp và vị trí chiến lược kết nối TP.HCM với Đồng bằng sông Cửu Long đã giúp Long An đón nhận sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế của cả khu vực.
So với Bình Dương hay Đồng Nai thì thị trường bất động sản tại Long An hiện nay vẫn đang xem là “vùng trũng”. Gần đây hạ tầng đã được chú trọng đầu tư và phát triển mạnh cùng với quỹ đất lớn, giá đất thấp khiến Long An trở thành vùng đất màu mỡ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản như: Vingroup, MIKgroup, Sun Group... Chính những ông lớn bất động này với các dự án về nhà ở, nghỉ dưỡng, thương mại đã kéo theo sự sôi động cho bất động sản Long An.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, Long An nằm ở vị trí như chiếc cầu nối giữa TP.HCM và khu vực ĐBSCL với dân số hơn 10 triệu người, cũng là trung tâm cung cấp lương thực lớn nhất của cả nước nên tiềm năng là vô cùng lớn.
Tiềm năng này sẽ thực sự bùng nổ khi các dự án hạ tầng giao thông của khu vực được xây dựng. Ngoài 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Bến Lức - Long Thành, trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc khác sẽ được xây dựng để tăng kết nối toàn khu vực miền Tây.
TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, việc các nhà đầu tư bất động sản gom đất ở Long An đón đầu hạ tầng là tất yếu. Tuy nhiên, chuyên gia này khuyến cáo những dự án hạ tầng giao thông dù được phê duyệt hay đã khởi công thì cũng cần một lộ trình chứ không phải một sớm một chiều. Do đó, để đạt hiệu quả tối đa trong đầu tư thì người mua cần xác định tầm nhìn trung và dài hạn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay không nên lướt sóng hay đầu tư bằng đòn bẩy tài chính.
Năm 2021, Long An là địa phương đứng sau Hải Phòng về thu hút vốn FDI. Năm 2021, tỉnh này đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư 42 dự án FDI với số vốn đăng ký 3.272,5 triệu USD, 63 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng 128,5 triệu USD. Với số vốn này, nguồn vốn FDI đầu tư vào Long An chiếm 1/3 so với cả nước; so cùng kỳ năm 2020, số vốn cấp mới tăng 3.008,3 triệu USD.
Nhằm góp phần phát triển hạ tầng công nghiệp, thu hút đầu tư trên địa bàn, thời gian tới, các ngành, đơn vị của tỉnh Long An tiếp tục hoàn thiện phương phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 quy tụ hàng trăm ngàn chuyên gia, người lao động trong và ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc.
Đây là những đòn bẩy giúp bất động sản Long An bứt phá trong thời gian tới, đặc biệt là phân khúc bất động sản đô thị tích hợp hướng đến những cư dân TP.HCM muốn dịch chuyển về ven đô, cùng đối tượng chuyên gia, lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.