Hà Nội: Ngăn thực phẩm bẩn hoành hành

(CL&CS) - “Hô biến” bánh kẹo được mua trôi nổi thành bánh kẹo “made in Japan” hay hàng nghìn thùng thực phẩm nhập vừa bị lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội bắt giữ tiếp tục cho thấy vấn nạn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc vẫn đang hoành hành.

Đội QLTT số 24 (Cục QLTT TP Hà Nội) kiểm tra nơi đóng gói bánh kẹo "ngoại". Nguồn: Tổng cục QLTT

Bánh kẹo “ngoại” được thu mua trôi nổi

Theo Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP. tích cực, chủ động trong điều hành, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên, phối hợp tốt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm..., thu được nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định thị trường TP., bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng.

Tính riêng trong tháng 4/2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội đã kiểm tra 1.204 vụ; xử lý 944 vụ; khởi tố 4 vụ/12 đối tượng.

Trong đó, có 179 vụ hàng cấm, hàng lậu; 62 vụ hàng giả, vi phạm SHTT, 703 vụ gian lận th­ương mại; tổng số thu nộp ngân sách nhà nước hơn 57 tỷ đồng.

Điển hình ngày 16/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Đội 4, Phòng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC05), Công an Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại điểm sang bao, đóng gói hàng hóa, do ông Tạ Tương Quân làm chủ, tại địa chỉ số 178 đường Nam Ngãi Cầu, thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 78 thùng kẹo dẻo trái cây sắc màu (nhãn hiệu CDRT) loại 2,5kg/gói, 4 gói/thùng và 380kg kẹo dẻo trái cây sắc màu (nhãn hiệu CDRT đã bóc khỏi vỏ) có nhãn phụ ghi “xuất xứ Trung Quốc” đang được công nhân bóc vỏ, đóng gói thành sản phẩm kẹo mềm nhân trái cây 8 vị Nhật Bản loại 300 gram/gói, và 200 gram/gói, trên nhãn có ghi "Made in Japan", thương nhân nhập khẩu: Công ty TNHH OSASHI-FUKUDAYA, địa chỉ: Đường 14, KCN Việt Nam Singapore II-A, Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, Việt Nam.

Tại thời điểm lực lượng chức năng “đột kích”, các công nhân đã đóng gói thành phẩm 18 thùng kẹo mềm nhân trái cây 8 vị Nhật Bản (loại 300 gram/gói, 50 gói/thùng); 21 thùng kẹo mềm nhân trái cây 8 vị Nhật Bản (loại 200 gram/gói, 80 gói/thùng). Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện 330 thùng kẹo dẻo nhãn hiệu TOP FRUIT loại 2,5kg/túi, 4 túi/gói có nhãn ghi “Made in China”.

Tiếp tục khám kho hàng tại địa chỉ ngõ 1057 đường 72 Ngãi Cầu, xã An Khánh, đoàn kiểm tra phát hiện 41 thùng kẹo dẻo Chip Tom and Jerry được đựng trong túi nilon, sản xuất tại Nhà máy Tân Hùng Thái có địa chỉ tại Cụm công nghiệp An Phát, Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội. Cơ sở này cũng đang sang bao, đóng gói thành hàng có ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài mang nhãn hiệu Adorable.

Ngoài số hàng hóa trên, lực lượng chức năng còn thu giữ thêm nhiều phương tiện sang bao, đóng gói sản phẩm như máy dán miệng túi; 1 máy dập date; hàng chục ngàn vỏ túi nilon kẹo mềm nhân trái cây 8 vị Nhật Bản loại 300gram; hàng nghìn thùng caton; máy nén khí…

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở đã thừa nhận mua trôi nổi số hàng hóa trên, sau đó thuê người bóc vỏ và đóng gói vào các túi nilon mua sẵn theo đúng trọng lượng rồi mang ra thị trường bán kiếm lời.

Trước đó, Đội QLTT số 24 đã phát hiện xe ô tô tải mang BKS 24H-00584 có dấu hiệu nhập lậu. Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện trên xe đang vận chuyển 1.000 thùng bánh bông lan; 285 thùng táo đỏ sấy khô (10 kg/thùng); 92 thùng hạt hướng dương và 20 thùng nho khô.

Nhếch nhác kho chứa. Nguồn: Tổng cục QLTT

Ra quân truy quét thực phẩm bẩn

Mới đây, Cục QLTT TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn TP với mục tiêu kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Đây được xem là đợt ra quân lớn, huy động nhiều lực lượng liên ngành tham gia, trong vòng 2 tháng cho đến ngày 10/7 tới. Đợt ra quân lần này huy động nhiều lực lượng liên ngành gồm Cục QLTT TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (PC03), Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC05), Công an TP Hà Nội; Cục Hải quan Hà Nội; Sở Tài chính Hà Nội; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội.

Kế hoạch kiểm tra liên ngành của Cục QLTT Hà Nội nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng thành viên của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, việc kinh doanh, sản xuất và chế biến hàng hóa thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Theo lãnh đạo Cục QLTT TP Hà Nội, tình trạng hàng hóa tồn kho lớn, không luân chuyển được, hàng hóa cận date nhiều. Chính vì thế, sẽ tập trung kiểm tra hàng thực phẩm tại các kho lạnh lớn, cả hàng nội địa và hàng nhập khẩu về qua các đường biển, hàng không, đường bộ… nhằm tránh tình trạng đưa Việt Nam trở thành nơi chứa hàng tồn, hàng quá date của thế giới.

Tính riêng trong tháng 4/2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội đã kiểm tra 1.204 vụ; xử lý 944 vụ; khởi tố 4 vụ/12 đối tượng.

Trong đó, có 179 vụ hàng cấm, hàng lậu; 62 vụ hàng giả, vi phạm SHTT, 703 vụ gian lận th­ương mại; tổng số thu nộp ngân sách nhà nước hơn 57 tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN