Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước cấp vùng, được phê duyệt tại quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; với quy mô đến năm 2020 đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm. Công trình được quy hoạch trên diện tích đất khoảng 62,5 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng (tương đương 225 triệu đô la Mỹ).
Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước sạch cho địa bàn 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực phía Đông Bắc và phía Nam thành phố Hà Nội, các khu đô thị, khu công nghiệp trên đường 179 và một số vùng phụ cận góp phần xây dựng một hệ thống cấp nước sạch bền vững, có khả năng cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch ổn định, lâu dài cho Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận.
Giai đoạn I của dự án nhà máy nước mặt sông Đuống có công suất 300.000m3/ngày đêm. Ảnh: Internet |
Giai đoạn I của dự án có công suất 300.000m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành năm 2020 với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; định hướng đến năm 2030 sẽ đạt 600.000 m3/ngày đêm và đến 2050 đạt 900.000 m3/ ngày đêm. Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân Thủ đô được sử dụng nước sạch đủ tiêu chuẩn.
“Trong quy hoạch, thành phố đã chỉ đạo để sử dụng nước mặt sông Đà, Sông Đuống, sông Hồng. Phấn đấu năm 2020 có khoảng 1,7 triệu m3 nước ngày đêm, trong đó cơ bản sử dụng nước mặt các con sông, giảm công suất và tiến tới chấm dứt sử dụng khai thác nước ngầm”, ông Hùng thông tin.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, đây một trong những dấu mốc quan trọng, khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc huy động các nguồn lực từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng của thành phố Hà Nội. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho những cam kết, nỗ lực của thành phố trong việc thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư trên địa bàn Hà Nội.
Dự án cũng mở ra một hướng mới về đa dạng hóa các thành phần kinh tế trong sản xuất và kinh doanh nước sạch; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động; thúc đẩy quá trình đô thị hóa, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân trong việc hưởng lợi từ việc sử dụng nước sạch, đặc biệt là trẻ em, người già và phụ nữ...
Đức Nguyễn