Grab và Go-Viet: Cạnh tranh “hủy diệt”, người tiêu dùng vui trước buồn sau

(NTD) - Thời gian qua, cuộc cạnh tranh giành khách và thị phần giữa Grab và Go-Viet ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, nhiều trang thương mại điện tử dù đang làm ăn thua lỗ cũng đổ vốn “tất tay” cho cuộc chơi. Trong những “cuộc chiến” cạnh tranh có dấu hiệu “hủy diệt” nhau này, ban đầu người tiêu dùng sẽ được lợi nhưng về lâu dài điều đó bất lợi cho tất cả các bên.

Cuộc chiến giữa Grab và Go-Viet

Ngay trong những ngày đầu tháng 9 này, Go-Viet rầm rộ tấn công thị trường Hà Nội sau khi hạ giá sốc để chiếm thị phần ở TP.HCM. Sau khi chính thức hoạt động, Go-Viet đưa ra cuốc xe đồng giá 5.000 đồng cho những chặng đường dưới 8km đã khiến Grab lao đao vì khách ồ ạt đổ sang ứng dụng mới giá rẻ như cho. Grab phản đòn với cuốc xe Grabbike đồng giá 2.000 đồng cùng cự ly cho đến khi Go-Viet lên 9.000 đồng, họ cũng chỉ nhích lên 5.000 đồng. Người tiêu dùng vui vẻ, tài xế cũng mừng vì hãng có hạ giá sát sàn nhưng vẫn được hỗ trợ đầy đủ và khách hàng khá đông.

Từ đây, Grab hết một mình một chợ sau khi thâu tóm Uber và thị phần trước đó “rơi rớt” không đáng kể cho vài ứng dụng nội địa chưa đủ mạnh. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán, với tiềm lực khá mạnh của tập đoàn mẹ Go-Jek từ Indonesia cùng tham vọng soán ngôi Grab tại Việt Nam, cuộc chiến giữa “ông lớn” mới đến này và Grab sẽ còn diễn ra dài dài. Trong “chiến tranh”, hành khách chắc chắn sẽ có những khuyến mãi bất ngờ và khó từ chối bên nào hạ giá khủng hơn. Họ vui nhưng rồi sau đó?

TS. Đinh Thế Hiển cho rằng giá khuyến mãi mà Go-Viet hay Grab đưa ra, thu không đủ bù chi, chủ yếu để đuổi theo hay “tiêu diệt” đối thủ nên không thật. Đến lúc nào đó, một bên đuối sức thì bên còn lại tiếp tục thế độc quyền như Grab từng làm với Uber và họ lại quay ra “bóp” người tiêu dùng như những ngày chưa có Go-Viet.

Một chuyên gia khác cũng khẳng định cạnh tranh kiểu “hủy diệt” nhau như thế này về lâu dài không có lợi cho tất cả các bên, dù đó là người tiêu dùng hay hãng cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp khác không thể chen chân vào, các hãng nhỏ nằm trong cảnh “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” nên không phát triển được. Chuyên gia này khuyến cáo nếu cơ quan quản lý không sớm “tuýt còi” những kiểu cạnh tranh thiếu lành mạnh như vậy thì hậu quả về sau sẽ rất lớn vì giá cả ảo, thất thu thuế và phi thị trường.

Cạnh tranh “hủy diệt” giữa Grab và Go-Viet về lâu dài không có lợi cho bên nào.

Các trang thương mại điện tử đối đầu

Bên cạnh cuộc đua của hai hãng xe công nghệ đang chiếm lĩnh thị trường thì việc hàng loạt trang thương mại điện tử dù thua lỗ thảm hại vẫn ào ạt đổ vốn vào cũng gây nhiều nghi ngại. Lazada, website bán hàng online được xem là lớn nhất Việt Nam hiện nay với nguồn vốn khổng lồ từ Alibaba, hai năm liên tiếp 2016-2017 lỗ trên 1.000 tỷ đồng/năm. Năm 2017, Shopee thua lỗ lên tới 619 tỷ đồng, Sendo cũng gần 250 tỷ đồng và Tiki cũng chẳng kém cạnh là mấy. Nhưng mấy tháng qua, họ đều ồ ạt tăng vốn dù thị trường chưa có nhiều tín hiệu khả quan!

Alibaba mới đây đã công bố sẽ tiếp tục rót thêm 2 tỷ USD vào nền tảng thương mại điện tử này, nâng tổng số tiền đầu tư vào Lazada tại khu vực Đông Nam Á lên con số 4 tỷ USD. Tiki sau khi nhận được khoản đầu tư 17 triệu USD năm 2016 tiếp tục được rót thêm 44 triệu USD vào tháng 11/2017 từ JD.com - đối thủ số một của Alibaba tại thị trường Trung Quốc. Và chỉ 2 tháng sau, vào tháng 1 năm nay, JD tiếp tục rót thêm một khoản đầu tư chiến lược vào Tiki.

Còn Sendo vừa nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ 4 nhà đầu tư cũ: FPT, eContext Asia, BeeNext, Beenos và 4 nhà đầu tư mới: SBI Nhật Bản, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures với con số chi tiết của từng công ty không được tiết lộ. Trong khi đó, công ty mẹ của Shopee là SEA cũng IPO thành công trên sàn chứng khoán New York vào cuối 2017 và thu về 884 triệu USD.

Có thể “đường dài mới biết ngựa hay” nhưng từ lúc này người tiêu dùng không khó để nhận thấy nhiều trang thương mại điện tử đang dùng không ít chiêu để loại bớt đối thủ. Bán giá cực rẻ, khuyến mãi liên tục hay bên kia vừa hạ giá bên này giá càng hạ hơn… chưa kể những “sự cố” liên tục mà đối thủ tự nhiên mắc phải. Giờ đây những trang web nhỏ, lẻ, ít vốn nếu không rời cuộc chơi thì cũng thoi thóp với sức ép của các “ông lớn” trên. Khi đã hạ bớt những đối thủ bé, họ đang quay ra “tấn công” trực diện để giành thị phần và khách hàng của thị trường online ngày càng chật hẹp.

Thực tế đã cho thấy, không doanh nghiệp hay nhà cung cấp dịch vụ nào cứ mãi rót vốn vào ngành nghề họ luôn thua lỗ hay hạ giá dưới giá thành mãi. Vinasun ngày mới ra đời cũng từng làm mưa làm gió với mức giá thấp khó tin và giờ thì họ đang vất vả với Grab. Vietnam Mobile hay một số ngành hàng khác đã hạ giá không thể thấp hơn để cạnh tranh với người đi trước nhưng không thành và nay đang ở đúng vị trí của mình. Chỉ có người tiêu dùng, sau những cuộc chiến mà họ luôn hưởng lợi thì nhiều khi lại thấy mình thiệt thòi hơn như Grab đối xử với họ sau khi “hạ” Uber. “Thức lâu mới biết đêm dài” là vậy và chẳng có cuộc vui giá rẻ hay miễn phí nào kéo dài mãi.

Trước đây, cơ quan quản lý đã từng “thổi còi” Mobifone, Viettel khi họ hạ giá để loại bớt những hãng di động mới bằng cách không cho khuyến mãi phá giá trong thời gian dài. Người tiêu dùng đã từng phản ứng và cho rằng có lợi cho khách hàng tại sao lại cấm? Nhưng những gì đã, đang và sẽ diễn ra cho thấy cơ quan quản lý đang bảo vệ người tiêu dùng để buồn ít, vui dài lâu chứ không phải vui trước, buồn sau khi các ông lớn “hủy diệt” nhau. Có lẽ đây cũng là lúc Bộ Công thương cần lên tiếng và có biện pháp chặn những cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ vì người tiêu dùng mà còn cho cả nền kinh tế phát triển bền vững.

 Phan Nguyễn

 
Nên đọc