Gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp cần trúng và đúng

(CL&CS) - Theo các chuyên gia, gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp là rất cần thiết, tuy nhiên thì điều quan trọng nhất là vốn phải chảy đúng và trúng vào các đối tượng. Do vậy, cần quy chế đặc biệt, dành cho gói hỗ trợ đặc biệt.

Sẽ có gói tín dụng dư nợ 100.000 tỷ đồng

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gợi ý ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ 60.000-65.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Sau khi bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tức quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

Nêu quan điểm về việc dùng ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động (tương tự gói hỗ trợ năm 2009), ông Nguyễn Tuấn Anh nhìn nhận: Thời điểm này nên có thêm những gói hỗ trợ như gợi ý của Quốc hội để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Theo ông Tuấn Anh, ngành ngân hàng vào cuộc rất sớm trong việc tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. NHNN đã ban hành Thông tư 01 về cơ cấu nợ và 2 lần điều chỉnh bằng Thông tư 03, Thông tư 14 để phù hợp thực tiễn nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu nợ từ khi có dịch đến nay tính lũy kế khoảng 520.000 tỷ đồng. Thời gian tới sẽ còn tăng thêm do dịch bệnh đang diễn biến.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng tự dùng nguồn lực của mình để hạ lãi suất cho vay. Tính chung, ngân hàng đã hạ lãi suất lũy kế trên 26.000 tỷ đồng, từ khi có dịch bệnh đến nay. Riêng từ ngày 15/7/2021, khi có đợt phát động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng đã hỗ trợ giảm lãi suất khoảng 9.000 tỷ đồng. Đây là nguồn hỗ trợ từ việc cân đối lợi nhuận của các ngân hàng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, từ kinh nghiệm thực hiện gói kích cầu năm 2009, tới đây, khi xây dựng chính sách, Chính phủ chắc chắn sẽ chú trọng yếu tố ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Không đảm bảo ổn định vĩ mô thì chính sách mất hiệu lực, thậm chí có thể gây ra tác dụng ngược.

"Còn về quan điểm của NHNN, đến thời điểm này cũng cần có thêm những gói hỗ trợ để tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Và phải linh hoạt vận dụng từ chính sách tiền tệ cho đến chính sách tài khoá để làm sao đạt được ổn định kinh tế và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh", TS. Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh nhắc lại, ở Việt Nam, từng có gói hỗ trợ lãi suất vào năm 2009 trong bối cảnh GDP suy giảm mạnh. Tuy nhiên, kết quả mang lại vừa có lợi và vừa có hại. Sau năm 2009, là giai đoạn kinh tế nước ta liên tiếp bị lạm phát cao, thậm chí lên tới 18,58% vào năm 2011.

Từ kinh nghiệm đã có, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh những bài học cần đảm bảo 3 trụ cột: tăng trưởng tín dụng, lạm phát và tỷ  giá hối đoái. Về vi mô, cần cân nhắc cách thức thực hiện nhằm ổn định thanh khoản, không gây nguy hiểm lên hệ thống ngân hàng, duy trì nợ xấu ở mức chấp nhận được.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, gợi ý của Chủ tịch Quốc hội nên được thảo  luận một cách nghiêm túc. Ủng hộ gói hỗ trợ nhưng cần làm một cách thông minh.

Đại diện của NHNN cho biết, đến thời điểm này cũng cần có thêm những gói hỗ trợ để tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. (Ảnh: minh họa)

Cần cơ chế đặc biệt

Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, quy mô gói hỗ trợ như dự kiến là quá nhỏ để tạo ra sức bật cho nền kinh tế phục hồi rõ rệt. Vì thế, ông cho rằng cần phải tăng quy mô gói hỗ trợ lớn hơn. Tuy nhiên, để bớt nặng nề cho ngân sách, ông Nghĩa gợi ý, cần biện pháp mang tính chất vĩ mô từ hai phía, đó là ngân hàng trung ương cộng với các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách.

Theo đề xuất của ông Nghĩa, có thể dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung, chẳng hạn, 1%/năm. Cộng với gói kích thích lãi suất này, đâu đó 2-3%/năm, tạo nên một hiệu ứng giảm lãi suất tương đối rõ rệt cho các doanh nghiệp, có thể lên đến 4%. Còn Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng trung ương.

Cũng theo ông Nghĩa, Chính phủ, Quốc hội đã áp dụng nhiều chính sách cứu trợ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu không đủ, mặc dù có nhiều tổ chức hạ đến ba lần lãi suất từ năm ngoái đến năm nay. Vì vậy, gói kích thích lãi suất này phải tạo ra một dấu ấn riêng.

"Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của Chính phủ tại ngân hàng trung ương là rất lớn, gấp 4 lần năm 2009, tương ứng với 12 tuần nhập khẩu hiện nay. Diễn biến dịch COVID-19 có thể kéo dài hết năm 2022, chưa lường trước những nguy hiểm của các biến thể mới, nên cần gói hỗ trợ lớn, tạo sức bật cho các doanh nghiệp phục hồi nhanh. Nên tôi cho rằng Chính phủ cần thiết kế một gói hỗ trợ lớn để nó thực sự tạo ra khác biệt, chứ đừng như muối bỏ biển," ông Nghĩa nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Quốc Hùng- Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, bối cảnh năm 2009 và năm 2021 có nhiều điểm khác nhau, tương ứng với những khó khăn thuận lợi khác nhau. Năm 2009, chúng ta đã sử dụng khoảng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng (thời điểm đó) để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Nguồn lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, đến nay các ngân hàng thương mại vẫn chưa được quyết toán hết.

Mặt khác, sau gói kích cầu trên, thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn và nợ xấu liên tục tăng cao. Do đó, năm 2013, chúng ta phải thành lập công ty quản lý tài sản VAMC để giải quyết hệ quả.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng:"Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, ngành Ngân hàng đã rất chủ động, thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hiện nay Quốc hội sử dụng ngân sách để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp là rất phù hợp, chúng ta nên ủng hộ".

Về vấn đề xây dựng gói hỗ trợ, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng cần phải điều chỉnh lại nguyên tắc, điều kiện tiếp cận vốn, xác định đối tượng cơ cấu nợ.

Trong đó, về việc phân bổ gói hỗ trợ, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, việc hỗ trợ là bình đẳng đối với các doanh nghiệp. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề và rõ rệt trong đại dịch COVID-19 là hàng không, du lịch, dịch vụ, khách sạn nhà hàng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp khác như các chuỗi cung ứng, khu công nghiệp, ngành lương thực, thực phẩm, xuất khẩu nông sản,… cũng có những khó khăn không kém.

TS. Nguyễn Quốc Hùng nhận định việc phân loại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng là rất khó vì gần như tất cả các doanh nghiệp không ít thì nhiều đều có bị tác động. Do vậy, ông gợi mở: “Cần quy chế đặc biệt, dành cho gói hỗ trợ đặc biệt”.

TIN LIÊN QUAN