Góc nhìn luật sư: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn giao thông?

(NTD) - Cách đây vài ngày, một ô tô con tại tỉnh Đắk Nông đang đậu bên đường bỗng tụt dốc, trôi tự do rồi tông vào một phụ nữ điều khiển xe máy khiến nạn nhân tử vong. Trên thực tế, rủi ro là điều mọi người luôn phải đối mặt khi tham gia giao thông tại Việt Nam. Vậy, khi xảy ra tai nạn giao thông thì ai là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Và xử lý vấn đề này thế nào. Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình đã có chia sẻ với Báo Người Tiêu Dùng như sau:

Hiện trường vụ tai nạn giao thông chết người ở Đắk Nông do trôi tự do về phía sau.

Trường hợp, tài xế để xe ô tô trôi tự do tông chết người. Hành vi này của tài xế đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm của “tội vi phạm quy định về tham gia đường bộ” theo điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt: Phạt tiền từ 30.000.000-100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Căn cứ theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 về việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Ngoài ra, mức bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn giao thông căn cứ tại điều 591 Bộ luật Dân sự về việc bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: “Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm 1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của bộ luật này; b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng; c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; d) Thiệt hại khác do luật quy định. 2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Cũng theo luật sư Hùng, đối với trường hợp lái xe được thuê gây tai nạn chết người (xe có đầy đủ các loại giấy tờ) mà chủ xe không có mặt trên chuyến xe đó thì trách nhiệm của chủ xe và lái xe trong trường hợp này là thế nào đối với bên bị nạn và bên người được thuê lái được quy định như sau: Trách nhiệm của chủ xe trong trường hợp này là phải bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại dù chủ xe không có mặt trên chuyến xe đó. Bởi vì, người gây tai nạn là người được thuê lái xe và trả tiền công nên không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe.

Chủ sở hữu mới là người chiếm hữu, sử dụng xe nên có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015. Trong trường hợp xác định lỗi thuộc về người lái xe khi điều khiển ô tô gây chết người thì người lái xe phải chịu trách nhiệm hình sự và có thể bị khởi tố về “tội vi phạm quy định về tham gia đường bộ” theo điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp chủ sở hữu ô tô giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người được giao chiếm hữu, sử dụng là người có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, đây chỉ là về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu xác định được lỗi thuộc về người lái xe khi điều khiển ô tô làm chết người thì người lái xe phải chịu trách nhiệm về hình sự, có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Minh Việt (lược ghi)

Nên đọc