Sự việc đã khiến nhiều người bàng hoàng và phẫn nộ khi thanh niên 16 tuổi này điều khiển phương tiện trong tình trạng không đội mũ bảo hiểm và chạy với tốc độ 61km/h khiến thượng úy Nguyễn Trọng Quý (cán bộ CSGT thuộc Đội CSGT - TT - CĐ, Công an huyện An Lão, TP. Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng bị chảy máu màng não, rạn đốt sống cổ, trật khớp tay hiện đang được điều trị tích cực chấn thương sọ não bằng phương pháp nội khoa.
Cùng lúc đó, Đỗ Văn Thắng (sinh năm 2003, trú xã Thái Sơn, huyện An Lão, Hải Phòng) là người điều khiển xe máy quá tốc độ gây tai nạn cũng được lực lượng chức năng và người thân đưa vào cấp cứu trong tình trạng bị thương vùng đầu, cơ thể có nhiều vết trầy xước.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc Công ty Luật Tam Anh (Hà Nội) cho rằng, hành vi của thanh niên điều khiển xe mô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, chạy với tốc độ cao, không chấp hành tín hiệu dừng xe của CSGT là hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng người thi hành công vụ. Trong trường hợp này, hành vi của thanh niên được xác định tuy không mong muốn tước đoạt tính mạng người khác nhưng đã có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra khi điều khiển xe mô tô đâm vào CSGT.
Lỗi của thanh niên trong trường hợp này được xác định là: Lỗi cố ý gián tiếp quy định tại khoản 2 Điều 10 BLHS “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”. Như vậy, hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về hậu quả đến đó. Nếu gây hậu quả chết người thì thanh niên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo Điều 123 BLHS. Xét theo Điều 123 BLHS 2015, trường hợp này được khép vào tội “giết người chưa đạt” và có thể nhận án tù chung thân hoặc tử hình.
Cho đến thời điểm này, theo thông báo, tính mạng người CSGT được bảo đảm. Như vậy có đủ căn cứ xác định hành vi của thanh niên điều khiển xe mô tô có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 BLHS. Tỷ lệ thương tích của CSGT càng cao thì thanh niên này phải chịu hình phạt tương ứng tăng nặng theo định khoản của Điều 134 BLHS.
Việc CSGT công an huyện An Lão, Hải Phòng lao người ra chặn xe vi phạm bị cho là quá nguy hiểm, dẫn tới nhiều ý kiến trái chiều về cách xử lý này. Dù lên án hành vi của người vi phạm nhưng nhiều người cũng không đồng tình với cách bắt người vi phạm của CSGT này khi gây nguy hiểm cho cả hai.
Hiện nay, lực lượng CSGT, Cảnh sát 113 và các lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông rất hùng hậu và được trang bị nhiều thiết bị phụ trợ, nên có sự phối hợp giữa các chốt chặn, bên cạnh đó có thể ghi hình phạt nguội. Do vậy việc phối hợp bắt giữ phương tiện có dấu hiệu vi phạm là không khó và không nhất thiết cứ phải lao vào đầu xe một cách “cảm tử” như trường hợp vừa qua.
Qua vụ việc này thiết nghĩ Bộ Công an cần quy định cụ thể về việc CSGT sẽ chặn, truy đuổi phương tiện giao thông vi phạm pháp luật khi nào và có cảnh báo tới toàn lực lượng CSGT trong toàn quốc để việc xử lý vi phạm đạt hiệu quả.
Tiêu Dao - Thế Sơn