Gỗ Trường Thành đề xuất phương án khắc phục âm vốn chủ sở hữu 585 tỷ đồng

(CL&CS) - CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành) là một trong những doanh nghiệp niêm yết trên HOSE có lỗ lũy kế lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng là công ty duy nhất bị âm vốn chủ sở hữu.

Từ năm 2017 đến nay, Gỗ Trường Thành đã có 2 lần phát hành cổ phiếu lên đến 166.590.462 cổ phiếu nhưng vốn chủ sở hữu vẫn bị âm. (Ảnh: TTF).

Phát hành 100 triệu cổ phiếu ưu đãi

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 của Gỗ Trường Thành, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 đạt 30,5 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2020, lỗ lũy kế là -3.043 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu -584,8 tỷ đồng. Ngoài ra, kiểm toán viên cũng đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Để khắc phụ tình trạng âm vốn chủ sở hữu, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Tổng Giám đốc Gỗ Trường Thành cho biết, công ty sẽ phát hành 100 triệu cổ phiếu ưu đãi với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng. Theo đó, vốn điều lệ công ty sẽ tăng từ 3.112 tỷ đồng lên 4.112 tỷ đồng. Nguồn tiền huy động sẽ trả nợ Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank). Sau đó, công ty có thể vay thương mại tại ngân hàng bình thường trở lại.

Công ty dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ vào quý 3 hoặc đầu quý 4/2021. Sau khi hoàn tất việc tăng vốn điều lệ cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh đang tốt thì trong năm 2021, sẽ khắc phục dứt điểm tình trạng vốn chủ sở hữu âm.

Tái cơ cấu hoạt động

Năm 2020, Gỗ Trường Thành đạt 1.214 tỷ đồng doanh thu và 16 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Mục tiêu doanh số năm 2021 là 2.025 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 59 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT cho biết, công ty đã tiến hành tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động đầu tư tài sản và có bước đầu chuyển biến tích cực.

Vào cuối năm 2019, công ty đã khánh thành nhà máy tủ bếp với công suất 60 container/tháng (tương đương khoảng 50 tỷ đồng/tháng). Các sản phẩm này đáp ứng đủ tiêu chuẩn của khách hàng Mỹ cũng như đại đa số khách hàng khác hiện nay. Hiện tại, nhà máy hoạt động ổn định và đã nhận đủ đơn hàng để thực hiện đến cuối năm nay.

Tháng 4/2020, nhà máy Sofa 1 chính thức đi vào hoạt động, đến tháng 4/2021, nhà máy Sofa 2 cũng đi vào hoạt động. Công suất 2 nhà máy đạt 150 container/tháng, doanh số bình quân mang về 40 tỷ đồng/tháng. Hiện tại, các nhà máy này đã nhận đủ đơn hàng để thực hiện đến cuối năm nay.

Với thương hiệu gỗ Casadora, công ty kết hợp với nội thất Phố Xinh mở rộng các showroom lớn tại các địa bàn trọng điểm và tham gia vào phân khúc đồ gỗ cao cấp phục vụ giới thượng lưu tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Nga…

Đối với mảng dự án, công ty được nhiều nhà phát triển bất động sản giao cho hàng loạt dự án trọng điểm để thực hiện đến cuối năm nay. Trong năm nay, Gỗ Trường Thành tiếp tục tiến hành thanh lý hàng tồn kho và đặc biệt các mặt hàng gỗ quý hiếm đã tồn đọng lâu năm.

Bên cạnh đó, Gỗ Trường Thành xây kế hoạch chuyển nhượng vốn tại các công ty con hoạt động kém hiệu quả. Đó là CTCP Lâm nghiệp Trường Thành (vào thời điểm 31/12/2020, giá trị tài sản thuần ước tích khoảng 46 tỷ đồng), CTCP Trồng rừng Trường Thành (20 tỷ đồng), CTCP Trường Thành Xuân (4,5 tỷ đồng), Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI (132 tỷ đồng) và thanh lý hơn 486 ha rừng trồng tại Phước An (Đắk Lắk).

TIN LIÊN QUAN