Các kiến trúc sư, các nhà khoa học và cả doanh nghiệp đã cùng thống nhất một quan điểm: Nếu tất cả nhà đô thị đều xây bằng thép và bê tông, quá trình biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh hơn.
Và các nguyên liệu có thể tái tạo và tái chế là những điều kiện tiên quyết cho một xã hội tuần hoàn. Chính vì thế, thế giới cần một giải pháp thay thế bền vững hơn – đó chính là gỗ.
Trên thế giới đã xuất hiện những công trình kiến trúc mới điển hình hoàn toàn sử dụng gỗ. Sử dụng vật liệu gỗ trong kiến trúc, xây dựng và thiết kế nội thất là một khuynh hướng tất yếu của thế kỷ 21.PGS. TS.KTS Lê Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội cho biết.
Các nhà khoa học, các kiến trúc, kỹ sư trên thế giới đều cùng quan điểm cho rằng sắt thép lên ngôi ở thế kỷ 19 và thế kỷ 20 là thời của bê tông cốt thép, thì vật liệu định hình thế kỷ 21 là gỗ.
“Trong thế giới với nguồn tài nguyên hạn chế, chúng tôi muốn rời bỏ mô hình một chiều “khai thác-sản xuất-bỏ đi” và chuyển sang một hệ thống tuần hoàn nơi không có gì bị vứt đi và các sản phẩm cũ trở thành các nguồn nguyên liệu mới”, bà Lena Pripp-Kovac, Giám đốc Phát triển bền vững, Tập đoàn Inter IKEA cho biết.
Và gỗ là vật liệu duy nhất đủ nhiều và có thể tái sinh được để đáp ứng nhu cầu này, Giám đốc Phát triển bền vững, Tập đoàn Inter IKEA khẳng định.
Giới khoa học và kiến trúc trên thế giới đang thúc đẩy một khuynh hướng mới: “thời của gỗ”.
“Gỗ là loại vật liệu tự nhiên thân thiện nhất với môi trường, có khả năng tái tạo và cho phép các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo”, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản VIFORES cho biết.
Nhưng điều quan trọng là gỗ được sử dụng phải là gỗ hợp pháp, và được khai thác từ các khu rừng được quản lý bền vững. Và làm sao có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự tham gia của các nhà thiết kế trẻ trong việc sử dụng vật liệu gỗ bền vững và hợp pháp, bà Tô Kim Liên – Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) nhấn mạnh.
Để bắt kịp khuynh hướng kiễn trúc xanh, công trình xanh và “thời của gỗ” thì cần một sự thay đổi mạnh mẽ trong giới kiến trúc, thiết kế và xây dựng.
Đồng thời cần cung cấp kiến thức cho lớp trẻ, cho sinh viên về sử dụng bền vững và hợp pháp trong kiến trúc và giới thiệu các giải pháp xây dựng thông minh hơn, tối ưu hoá nguyên vật liệu, và vận dụng sáng tạo thiết kế kết hợp với công nghệ và kĩ thuật số.
Bà Tô Kim Liên – Giám đốc CED nhấn mạnh: "Nếu nhu cầu từ gỗ và sản phẩm gỗ tăng sẽ buộc chúng ta phải trồng nhiều rừng hơn để đáp ứng và tận dụng mọi nơi để trồng cây. Những yếu tố cần lưu ý khi sử dụng vật liệu gỗ, để đảm bảo việc sử dụng gỗ không ảnh hưởng đến môi trường và sinh thái, gỗ sử dụng phải được khai thác từ rừng một cách hợp pháp và từ các khu rừng được quản lý bền vững".
Nạn khai thác gỗ bất hợp pháp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất rừng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Nhằm ngăn chặn nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, trên phương diện quốc tế, Liên minh Châu Âu và các nước phát triển (Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đưa ra nhiều chương trình và sáng kiến nhằm tăng cường quản trị rừng, thực thi luật lâm nghiệp và thương mại gỗ nhằm hạn chế nạn khai thác gỗ trái phép để giữ lại các khu rừng nguyên sinh còn sót lại trên thế giới. Mua, bán và sử dụng gỗ, sản phẩm gỗ hợp pháp và bền vững, chính là góp sức bảo vệ rừng.
Ngày 19/10/2018, Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với Liên minh Châu Âu (EU) và cam kết tất cả gỗ khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán và xuất khẩu tại Việt Nam đều phải đảm bảo tính hợp pháp.
Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện các chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung ứng của các sản phẩm. Như vậy, trong tương lai gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp sẽ không được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Vấn đề hiện nay là nâng cao nhận thức về yêu cầu sử dụng gỗ và các sản phẩm từ gỗ hợp pháp, đồng thời khuyến khích các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà quản lý xây dựng và nhà thiết kế nội thất trẻ sử dụng gỗ một cách bền vững trong thiết kế, xây dựng và nội thất.