Giám bớt nỗi lo cho vụ hè thu

(NTD) - Liên tục nhiều ngày qua khắp cả nước đều có mưa. Thời điểm này, cũng trùng với tiến độ xuống giống Hè thu chính vụ 2017. Đã có thiệt hại xảy ra khi nông dân gieo sạ sớm:Bị mưa cuốn trôi, ốc bưu vàng, và dự báo sẽ còn khó khăn cho vụ lúa này. Dẫu vậy, nông dân cũng đừng quá lo, nếu tuân thủ các kỹ thuật gieo sạ và chăm sóc trà lúa thật tốt.

 

Méo mặt vì mưa

Mấy ngày qua, mưa lớn liên tục đã làm ngập úng nhiều diện tích lúa hè thu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Không chỉ lo nước ngập mà người dân phải tốn một chi phí không nhỏ cho việc diệt ốc bươu vàng, khiến họ “đứng ngồi không yên”.

Thời điểm này cũng là lúc người dân bắt đầu vào vụ lúa hè thu, nên thời tiết đã làm ảnh hưởng rất lớn diện tích lúa đang xuống giống của người dân.

Tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, người dân cho biết, mưa lớn nhất xuất hiện từ ngày 21 đến sáng ngày 22/5, khiến nước trên nhiều cánh đồng lên cao. Trong khi đó, việc thoát nước không kịp vì lượng nước quá lớn đã gây ngập úng lúa giống vừa sạ xuống hoặc đã lên mầm xanh.

Trước tình hình trên, người dân đã phải chủ động sử dụng cả máy bơm nước ra ngoài để “cứu” lúa, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi mưa liên tục.

Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu năm nay tỉnh Bạc Liêu gieo cấy khoảng 60.000 ha và đến nay đã xuống giống được hơn 20.000ha. Để kịp thời giúp dân “cứu” lúa, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo ngành nông nghiệp mở một số cống, đập để thoát nước. Ngoài ra, cũng khuyến cáo người dân gia cố bờ bao, khẩn trương bơm nước cứu diện tích lúa bị ngập nặng và hướng dẫn người dân có thể tạm ngưng xuống giống để tránh thiệt hại.

Các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ tình trạng cũng tương tự.

Báo cáo của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy, đến thời điểm này đã xuống giống hơn 700.000 ha lúa hè thu trong tổng số trên 1,5 triệu ha.

Để giám bớt nỗi lo cho người trồng lúa, tất cả các địa phương đều cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sản xuất, chăm sóc trà lúa để giảm bớt rủi ro cho nông dân.

 

Không quá lo

Vẫn là các loại sâu, dịch bệnh thường gặp trên trà lúa mà nông dân đã quá quen thuộc như sâu keo, bù lạch; giữa vụ rầy nâu, nhện gié, cuối vụ cần coi chừng bệnh lem lép hạt.

Bón phân trong giai đoạn đầu là khá quan trọng, các kỹ sư của Bình Điền giải thích: Cây lúa có 3 thời điểm cần phân bón nhất, một là giai đoạn đầu từ 7-10 ngày sau sạ cần nhiều dinh dưỡng để phát triển bộ rễ, giai đoạn này cần tới 60% lân và 20-30% đạm, 20% kali; hai là giai đoạn đâm chồi 18-20 ngày sau sạ cần nhiều dinh dưỡng để đẻ nhánh, giai đoạn này cây cần 40% lượng đạm, 40% lượng lân còn lại; ba là giai đoạn làm đòng 40-45 ngày sau sạ, cần nhiều dinh dưỡng để rước dòng, nuôi hạt; giai đoạn này cây cần 30% đạm và lượng kali còn lại. Khác với cây lâu năm, thời gian ở mỗi giai đoạn này rất ngắn nên không thể chia phân bón ra làm nhiều lần vì như vậy lúa sẽ đẻ lai rai, nhiều chồi vô hiệu… nên hiệu quả sẽ kém.

Vào giữa vụ cần chú ý đến rầy nâu vụ hè thu, nhất là cuối vụ mưa nhiều thì bệnh đạo ôn cũng sẽ phát triển, tuy nhiên mức độ sẽ không bằng đông xuân vì nấm đạo ôn chỉ phát triển mạnh trong nền nhiệt độ thấp có độ ẩm cao. Ngoài việc giữ nước ở mức vừa phải, cần quan sát thiên dịch, nếu mật độ thiên dịch nhiều thì chẳng cần phun thuốc. Cần áp dụng quản lý tổng hợp bao gồm chọn giống, chọn thời điểm gieo sạ phù hợp với con nước và né rầy; sạ thưa theo hàng, bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.

Thời điểm này, trời không nắng, đối với diện tích lúa bị bóng râm thiếu ánh nắng nên quang hợp kém, lượng vật chất tạo ra không đủ cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây. Khi bón phân thì cây sẽ phục hồi, tất nhiên không bằng với cây ngoài nắng 100%. Việc bị bệnh chủ yếu là do bón phân dư đạm, không cân đối. Lúa trong bóng râm thường bị sâu bệnh vì nơi đó gần với bờ vườn, nhiều cỏ dại và tán cây - nơi trú ẩn của những đối tượng dịch hại, nhất là sâu ăn lá. Để khắc phục khi sạ chú ý không được sạ dày, bón phân cân đối.

Khi bón phân cần sử dụng bảng so màu lá lúa để quyết định. Tuyệt đối không được sử dụng phân bón lá khi cây đang bị bệnh vì lúc này phun phân bón lá là cung cấp dinh dưỡng, nhất là các vi lượng thêm cho vi khuẩn, nấm khiến cho chúng hoạt động mạnh hơn, gây hại nhiều hơn. Khi ruộng bị bệnh dứt khoát phải chữa trị bệnh rồi mới sử dụng phân lá để bổ sung. Ở ruộng lá 20 ngày tuổi cũng vậy, phải sử dụng thuốc đặc trị trừ bệnh đạo ôn, sau đó mới bón phân đợt 2 được.

Hoang Huy

 
Nên đọc