Ông Nguyễn Thành Phương - Trưởng Phòng tổng hợp QLTT TP.HCM. (Ảnh: Xuân Trinh). |
Hàng giả quá tinh vi!
Một cán bộ chủ chốt của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã phát biểu như trên tại “Tọa đàm về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến lĩnh vực thực phẩm” do Sở Công thương TP.HCM phối hợp với Hội chế biến Lương thực Thực phẩm TP.HCM tổ chức.
Trưởng Phòng Tổng hợp Chi cục QLTT TP.HCM Nguyễn Thành Phương cho biết: Ở Việt Nam nói chung, tại TP.HCM nói riêng, xu thế của hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tăng về quy mô, tinh vi về công nghệ và thủ đoạn. Có thể dễ dàng nhận thấy, bất kỳ hàng hóa nào bán chạy trên thị trường đều xuất hiện hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Công nghệ sản xuất hàng giả hiện nay rất hiện đại và tinh vi. Vì vậy nhiều trường hợp cơ quan chức năng không thể phân biệt được, chỉ có những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đó dùng nghiệp vụ riêng mới có thể nhận ra. “Tuy nhiên, sự liên hệ giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng hiện nay vừa thiếu, vừa yếu, nên hàng giả vẫn xuất hiện trên thị trường.” - ông Phương bày tỏ.
Đâu là nguyên nhân?
Về nguyên nhân, Chi cục QLTT TP.HCM đánh giá có một số nguyên nhân sau:
Sở dĩ hàng nhái, hàng giả ngày càng phát triển là do siêu lợi nhuận thúc đẩy, lôi kéo một số đối tượng tham lam. Một sản phẩm làm giả có thể đưa lại lợi nhuận gấp 5, gấp 10 lần, do đó họ bất chấp lương tri, không hề tính toán gì đến tác hại cho người tiêu dùng và xã hội.
Mặt khác, tâm lý chung của người tiêu dùng Việt Nam là thích dùng hàng ngoại, ham rẻ, đó là nhân tố tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả có nơi lưu hành thuận lợi. Hơn nữa, người tiêu dùng thường thiếu cảnh giác và ít có thông tin về sản phẩm nên khó biết được sản phẩm thật - giả nếu chưa sử dụng.
Ngoài ra, các cơ quan thực thi pháp luật chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với nhau; việc cung cấp và trao đổi thông tin còn hạn chế; cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ; văn bản pháp luật quản lý và chế tài còn nhiều vướng mắc, bất cập (thủ tục trình tự xử lý đơn thư, kiểm định, giám định hàng hóa, xử lý còn chồng chéo…), nhận thức và năng lực chuyên môn của cán bộ công chức thực thi chưa cao.
Một số giải pháp
Để đối phó với thực trạng nêu trên, chuyên gia QLTT TP.HCM khuyến cáo các doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thông qua việc cung cấp thông tin cần thiết cho các lực lượng thực thi về đối tượng vi phạm, phương thức, thủ đoạn, mặt hàng, địa bàn tiêu thụ hàng giả, hàng nhái; mô tả đặc điểm nhận biết hàng thật, hàng giả; phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, để nhân dân sẵn sàng tố giác tội phạm để các lực lượng thực thi xử lý theo pháp luật.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy vai trò tham gia chống hàng giả của doanh nghiệp là rất quan trọng. Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đã quy định đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác phối hợp và hợp tác với các cơ quan pháp luật.
Doanh nghiệp cần thiết lập cầu nối với người tiêu dùng để giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức và hiểu biết về sản phẩm của doanh nghiệp mình.
Người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn là chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước.
Anh Trinh