Giải pháp giải quyết tranh chấp cho các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản

CL&CS - Tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Nhật Bản nằm trong nhóm 10 quốc gia có các bên tham gia giải quyết tranh chấp nhiều nhất. Để cho việc hợp tác kinh tế Việt – Nhật ngày càng phát triển, ngày 18/6, Hội thảo về Giải pháp giải quyết tranh chấp cho các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã được tổ chức.

Các tranh chấp chủ yếu thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa/xuất nhập khẩu, cung ứng dịch vụ, xây dựng và tài chính ngân hàng. Từ thực tiễn, nhu cầu tại Việt Nam và Nhật Bản, VIAC cùng các tổ chức giải quyết tranh chấp tư tại Nhật Bản đã trao đổi và đi đến đề xuất thành lập nhóm liên kết về tranh chấp thương mại tại Việt Nam – Nhật Bản (Hòa giải và Trọng tài).

Hình minh họa.

Đây là biện pháp cần thiết bởi ở góc độ vi mô – quan hệ giao dịch giữa các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng, tiêu thụ bị đứt gãy dẫn tới nhiều giao dịch không được thực hiện hoặc chi phí thực hiện giao dịch bị tăng lên rất cao, đẩy nhiều doanh nghiệp đứng trước các rủi ro pháp lý như đình chỉ hợp đồng, huỷ bỏ hợp đồng hoặc thậm chí là vi phạm hợp đồng, có thể dẫn tới tranh chấp và kiện tụng.

Trong năm 2019, Nhật Bản là đối tác lớn thứ hai về đầu tư, thứ ba về du lịch và thứ tư về thương mại, với khoảng 4.400 dự án đầu tư tại Việt Nam, tương đương tổng số vốn lên đến gần 60 tỷ USD; kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 40 tỷ USD.

Theo báo cáo của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), hiện có khoảng hơn 4.300 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam và khoảng 64% đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

 Mức đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn duy trì ở mức ổn định với tổng số dự án đăng ký đến hết tháng 04/2020 là 116 và tổng số vốn vào khoảng 1,2 tỷ USD, đứng thứ ba chỉ sau Singapore và Thái Lan; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Dương Nhung