Giải cứu nông sản kết hợp làm sản phẩm truyền thống xuất khẩu và tiêu thụ trong nước

(NTD) - Chia sẻ với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, anh Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods) cho biết hiện nay các sản phẩm như bánh tráng thanh long, bún dưa hấu, mì rau củ... của Việt Nam được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc đặc biệt ưa chuộng.

Anh Lê Duy Toàn, người đã và đang rất thành công khi đưa những sản phẩm độc đáo như bún dưa hấu, bánh tráng thanh long, mì rau củ... của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Từ nông sản giải cứu đến sản phẩm hút hàng trong nước...

Giữa tháng 2/2020, chứng kiến hàng trăm container thanh long không thể xuất khẩu trước ảnh hưởng từ dịch bệnh do chủng mới vi rút Corona đang xảy ra, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) cùng đồng nghiệp đã tìm ra công thức sản xuất bánh mì từ thanh long và hiện đang rất hút hàng.

Bánh mì là mặt hàng không lạ với người tiêu dùng và trước nay ABC là doanh nghiệp nổi tiếng với các dòng bánh cao cấp, phục vụ tại sân bay, nhà hàng, khách sạn và cả xuất khẩu. Tuy nhiên, đau đáu trước nỗi niềm của bà con nông dân, ông vua bánh mì đã đầu tư và biến bánh mì thanh long thành trào lưu hot chỉ sau mấy ngày công bố sản phẩm. Đáng nói, vị doanh nhân họ Kao không hề giấu bí quyết mà còn chia sẻ công khai công thức làm bánh mì thanh long. Không chỉ dừng lại đó, ông còn kết hợp bánh mì thanh long nhân sầu riêng khi mà loại quả này cũng nối gót thanh long cần được giải cứu.

Trào lưu kết hợp nông sản để làm thực phẩm chưa dừng lại ở đó. Ngày 29/2 tại TP.HCM bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT CTCP Việt Nam Kỹ nghệ bột mì (Vikybomi) đã cho ra đời bột mì thanh long. Đặc biệt, sản phẩm mì sợi tươi thanh long do doanh nghiệp nghiên cứu công thức đã cho ra thành phẩm, hiện đang bán thử nghiệm tại một tiệm mì ở TP. Cần Thơ và thu hút người dùng bởi sự độc lạ. Vì là nhà cung cấp nên doanh nghiệp này đang hướng sản phẩm đến các siêu thị và cửa hàng.

“Hiện nay với 1 tấn bột mì sẽ tiêu thụ tương đương 500kg thanh long tươi để sản xuất mì sợi. Trong tương lai doanh nghiệp sẽ nghiên cứu thêm các sản phẩm mới từ nông sản để hỗ trợ bà con nông dân” - bà Chi phấn khởi chia sẻ.

Không dừng lại, bà Chi cho biết sẽ nghiên cứu thêm các loại nông sản khác để ứng dụng vào nhiều dòng sản phẩm của Vikybomi.

Bánh mì thanh long của ông Kao Siêu Lực hiện đang hot tại TP.HCM.

Bánh tráng thanh long dùng để làm bánh tráng cuốn được ưa chuộng tại Mỹ, Nhật.

...đặc biệt được ưa chuộng ở thị trường xuất khẩu: Nâng cao giá trị nông sản

Việc kết hợp nguyên liệu nông sản vào đây không phải là câu chuyện mới diễn ra. Bởi cách đây hơn 2 năm, anh Lê Duy Toàn, CEO Duy Anh Foods đã tự mày mò, nghiên cứu ra sản phẩm truyền thống như bún, bánh tráng, mì kết hợp với các nguyên liệu rau, củ, quả nhằm giúp gia tăng chất lượng sản phẩm và giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản. Hiện nay doanh nghiệp này chủ yếu xuất khẩu 80-90% sản lượng.

“Việt Nam có nhiều loại rau, củ, quả vừa đa dạng vừa dinh dưỡng mà chi phí cũng không quá cao. Thay vì xuất khẩu tươi thì chúng ta kết hợp chế biến vừa tăng giá trị sản phẩm vừa giúp tiêu thụ tốt các loại nông sản” - anh Toàn nói.

Mới đây, Duy Anh Foods cho ra 2 loại sản phẩm đặc biệt là bún dưa hấu và bánh tráng thanh long. Hiện, hàng tuần công ty vẫn xuất khẩu đều đặn sang các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc.

Anh Toàn cho hay, giá trị sản phẩm kết hợp nông sản tăng gấp 1,5-2 lần so với những sản phẩm đơn thuần. Thay vì phải dùng màu, hương liệu thực phẩm và nước thì hiện nay các loại quả như dưa hấu, thanh long lại bảo đảm được các yếu tố này.

“Tuần này, doanh nghiệp sẽ xuất 4 tấn bún dưa hấu đi Hàn Quốc và tỷ lệ tiêu thụ lượng dưa hấu tương ứng là từ 2-3 tấn dưa” - anh Toàn cho biết thêm.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như sản phẩm hút hàng phải đầu tư máy móc và nhân công. Các sản phẩm nông sản có tỷ lệ, màu sắc, độ cứng, khác nhau khiến quá trình làm ra sản phẩm không đồng đều gây khó cho doanh nghiệp và đây là hướng mà doanh nghiệp cần giải quyết.

Đối với các thị trường xuất khẩu khó tính nêu trên, họ không chỉ yêu cầu về chất lượng mà cả bao bì, mẫu mã sản phẩm phải mới lạ và đạt chuẩn. Vì thế nhà sản xuất phải liên kết được với nguồn cung và đảm bảo chất lượng, đạt chuẩn như yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Đây cũng là doanh nghiệp thành công khi đưa bánh tráng Việt Nam xuất khẩu mạnh vào 2 nước khó tính bậc nhất thế giới là thị trường Mỹ và Nhật Bản.

Hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp và các startup trẻ chạy đua với phân khúc này nhằm gia tăng giá trị và thương hiệu sản phẩm Việt ra thị trường thế giới.

Kim Ngọc

Nên đọc