Vận tải hàng hóa luôn đóng một vai trò quan trọng và được xem là cầu nối, mắt xích trong khâu lưu thông để có thể tạo ra dòng chảy xuyên suốt đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cuối cùng. Có câu nói: “Nếu nền kinh tế là một cơ thể sống và hệ thống giao thông là các huyết mạch thì vận tải là quá trình đưa các chất dinh dưỡng đến nuôi các tế bào của cơ thể sống”.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, phát biểu tại tọa đàm. |
Trên thực tế, chi phí xăng dầu thường luôn song hành với giá cước vận tải và theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, chi phí xăng dầu có thể chiếm đến 25-35% cước vận tải. Vì vậy, khi xăng dầu tăng giá thì giá cước vận tải sẽ tăng theo và khi giá xăng dầu giảm, cước vận tải cũng phải giảm. Thế nhưng, điều nghịch lý đang diễn ra trên thị trường Việt Nam là khi xăng dầu tăng giá thì cước vận tải ồ ạt tăng giá ngay, nhưng khi giá xăng giảm, cước vận tải lại không có dấu hiệu giảm hoặc chỉ giảm rất hạn chế và chậm chạp.
Tại buổi Tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi người tiêu dùng” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tổ chức hôm 8/9/2015 tại văn phòng cơ quan phía Nam Báo Người Tiêu Dùng(62-64-66 Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5, TP.HCM), các chuyên gia vật giá, giao thông vận tải, đại diện các Sở Tài chính, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thông tấn báo chí, người tiêu dùng đã bày tỏ mối quan ngại đối với vấn đề này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, dẫn chứng về việc xăng giảm giá nhưng cước vận tải không giảm: “Từ 28/7/2014 đến 21/1/2015, giá xăng đã có 14 lần liên tục giảm. Ở thời điểm ngày 21/1/2015, giá xăng RON 92 chỉ còn 15.677 đồng/lít, giảm 9.963 đồng so với thời điểm trước khi điều chỉnh giá ngày 28/7/2014. Như vậy, giá xăng đã giảm gần 39% nhưng giá cước vận tải vẫn án binh bất động. Kéo theo đó, giá cả hàng hóa có liên quan cũng giậm chân tại chỗ”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, trả lời thắc mắc của doanh nghiệp. |
Giá cước vận tải bằng ô tô được thực hiện theo cơ chế giá thị trường và có sự điều tiết của Nhà nước. Thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật; đồng thời áp dụng các biện pháp điều tiết cần thiết để bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích chung. Đó là ý kiến phát biểu của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam.
Vì vậy, về câu hỏi của bạn đọc liên quan đến vấn đề giảm giá cước vận tải trong thời gian tới, ông Thỏa cho biết, điều này hoàn toàn có thể được. Bởi lẽ, trong 2 tháng qua, cụ thể từ ngày 14/7 - 3/9, xăng đã giảm giá 5 lần liên tiếp, tổng mức giảm là 3.380 đồng/lít đối với xăng A92 và 2.760 đồng/lít đối với dầu diesel. Với mức giảm đó, cước vận tải cũng đã đủ để các nhà kinh doanh vận tải giảm giá.
Tuy nhiên, ông Thỏa cũng thừa nhận, việc giảm giá cước vận tải vẫn chưa thỏa đáng so với mức giảm giá của xăng dầu. Cụ thể, giá cước taxi của Việt Nam hiện cao đáng kể so với các quốc gia trong khu vực. Giá cước taxi tại Việt Nam là 11.000 - 13.900 đồng/km tại Hà Nội và 14.500 - 15.500 đồng/km tại TP.HCM. Trong khi đó, tại Bangkok (Thái Lan) cước taxi chỉ 3.800 đồng/km; tại Manila (Philippines) 5.700 đồng/km và ngay cả thành phố đắt đỏ hàng đầu thế giới là Singapore, cước taxi cũng chỉ 8.700 đồng/km.
Theo lý giải của một đại diện Sở Tài chính, cơ quan về quản lý giá của TP.HCM, nguyên tắc quản lý giá là theo cơ chế thị trường. Vấn đề cước xe liên quan đến việc kê khai giá, nghĩa là khi có biến động về giá thì doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cho phù hợp.
Vị này cũng chia sẻ với báo giới về tờ trình liên quan đến việc kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải của Ban Vật giá thuộc Sở Tài chính ký ngày 8/9 mới đây cho thấy, Bộ đã có hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo đó, đối với vận tải hành khách bằng taxi sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn và đối với vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định cũng có quy định cụ thể. Tính đến hết ngày 7/9 đã có 10/51 doanh nghiệp kê khai giảm giá với mức phổ biến từ 3 - 5%.
Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho rằng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải nên tận dụng công nghệ thông tin đưa ra các giải pháp để giảm giá thành như Uber, GrabTaxi. “Doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ vào việc giảm giá xăng dầu để có cơ sở giảm cước mà nên tự đổi mới công nghệ trong quản lý”, ông Hùng nói.
Theo ông, vấn đề “đôi đũa lệch” giữa giá xăng dầu và cước vận tải trong nước chắc chắn sẽ vẫn còn tiếp diễn trong tương lai cho tới khi đạt được các giải pháp hài hòa và triệt để giữa các bên liên quan trên cơ sở quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo. Tất nhiên, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với vấn đề này cũng quan trọng không kém.
Ngọc diễm - Ảnh: Trần phong