Những phương án tính giá điện mới mà Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công thương vừa đưa ra đang gặp không ít ý kiến phản đối vì “bình mới rượu cũ” và cả cách tính 1 giá cũng chưa thấy lợi ích gì cho khách hàng nếu không muốn nói sẽ thiệt hơn giá cũ!
Trong văn bản lấy ý kiến về dự thảo cách tính giá điện mới, chính Bộ Công thương nhận định: “Người dùng điện trong khoảng từ 201-300 kWh/tháng và từ 401 kWh/tháng trở lên phải trả thêm 4.000 - 99.000 đồng/tháng nếu chọn phương án 1, còn nếu chọn phương án 2 thì người dùng từ 701 kWh/tháng trở lên càng phải trả tiền điện nhiều hơn”
Nhưng thứ mà nhiều người trông chờ nhất là cách tính điện 1 giá thì phương án do EVN xây dựng và Bộ Công thương đưa ra đang gây khá nhiều thất vọng lẫn bức xúc. Với giá bình quân trên 2.700 đ/kWh, tương đương với bậc giá gần như cao nhất hiện nay thì chọn trả một giá, người tiêu dùng chỉ có thiệt đơn thiệt kép. Bộ Công thương lý giải để tiết kiệm điện cũng chưa thuyết phục vì chỉ dùng từ 200 Kwh/tháng đã phải trả thêm dù với cách tính nào.
Nếu khách hàng dùng 400 kWh/tháng và chọn trả 1 giá là 2.703 đồng/kWh thì phải đóng cao hơn đến 186.300 đồng/tháng so với hiên nay. Còn trả 1 giá theo phương án 2B phải đóng cao hơn 261.074 đồng/tháng.
Trong khi đó, theo số liệu của EVN, số hộ sử dụng điện dưới 400 kWh lên đến hơn 22 triệu hộ. Như vậy, trong biểu giá điện mới này, có ít nhất 22 triệu hộ dân không thể chọn cách trả điện 1 giá!
Như vậy thì cách tính một giá và cả 5 bậc thang giá mới cũng không có lợi ích gì với hàng chục triệu khách hàng, trừ một số ít dùng khoảng 100-150kwh/tháng, điều vô cùng khó với cuộc sống hiện đại bây giờ!
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương) chỉ rõ: Với phương án 5 bậc giá, Bộ Công thương đề xuất rút từ 6 bậc xuống 5 bậc nhưng giá điện tại từng bậc lại tăng cao hơn! Chẳng hạn, ngay từ bậc 2 với hộ dùng từ 101 kWh trở lên đã áp giá cao hơn giá điện bình quân 8% nên chắc chắn nếu tính ra, người dùng sẽ phải trả cao hơn so với cách tính hiện tại trên cùng 1 số lượng điện tiêu thụ.
Tính ra sao và quy định giá thế nào có lẽ chỉ có EVN và Bộ Công thương rõ nhất khi căn cứ và giá thành để có điện đến tận nhà khách hàng chưa được công khai rõ ràng. Tuy nhiên làm thế nào hay tính ra sao thì điều mà người tiêu dùng mong mỏi nhất là thay đổi đó phải hợp lý chứ với kiểu “ bình mới rượu cũ” và có khi còn “nhạt” hơn thì họ không bức xúc mới lạ.
Dùng nhiều không thể trả ít và ngược lại nhưng khách hàng có quyền yêu cầu căn cứ vào đâu để lại có những phương án giá điện đáng ngạc nhiên như thế. Ông Long đặt câu hỏi “Vậy giá điện bán lẻ dựa trên những tính toán nào, cộng thêm những gì mà cao hơn mức bình quân nhiều đến vậy"?
Theo tôi, cơ cấu biểu giá bán lẻ sửa đổi có như thế nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc doanh thu ngành điện không giảm, không tăng vọt. Thế nên, cơ sở để phương án tính giá điện một bậc cao hơn giá bình quân đến 145 - 155% cần phải được làm rõ”. Có lẽ đó cũng là thắc mắc từ hàng triệu khách hàng của EVN.
Phan Nguyễn