Giá chung cư Hà Nội sẽ tăng trong nửa cuối năm nay?

Thị trường bất động sản nhà ở trong 6 tháng cuối năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, với giá bán sơ cấp tại Hà Nội dự kiến tăng 10–15%, cao nhất trong các đô thị lớn. Trong khi đó, TP.HCM và các tỉnh vệ tinh chỉ tăng nhẹ ở mức 2–5%.

Theo báo cáo thị trường bất động sản mới công bố của Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI), giá thứ cấp phân khúc nhà phố riêng lẻ được dự báo cũng sẽ tăng từ 5–10%. Bên cạnh đó, giá thuê căn hộ có xu hướng tăng 5–10%, còn nhà phố giữ mức ổn định.

Nguồn cung mới dồi dào, sức mua có dấu hiệu phục hồi

Trong nửa cuối năm, nguồn cung bất động sản trên cả nước được dự báo tăng thêm khoảng 26%, tương đương hơn 17.000 sản phẩm từ khoảng 30 dự án. Khu vực phía Nam tiếp tục giữ vai trò chủ lực với hàng loạt dự án và phân khu mới tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Sức mua trên toàn thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhất là tại các khu vực có nguồn cung mới. Tỷ lệ hấp thụ cũng có khả năng cải thiện nhẹ nhờ loạt yếu tố hỗ trợ như tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn giá rẻ và các chính sách kích cầu từ phía chủ đầu tư.

Bà Trịnh Thị Kim Liên, Giám đốc Kinh doanh Dat Xanh Services, nhận định: “Sự gia tăng nguồn cung đa dạng trên khắp các vùng miền hứa hẹn một thị trường phong phú sản phẩm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người mua trong nửa cuối năm.”

Ảnh minh họa.

Ba kịch bản cho thị trường bất động sản cuối năm

Báo cáo của DXS-FERI xây dựng ba kịch bản cho thị trường nhà ở giai đoạn cuối năm 2025, tùy thuộc vào các yếu tố kinh tế vĩ mô và phản ứng từ các bên tham gia thị trường.

Kịch bản lý tưởng: Nguồn cung có thể tăng 40–50%, giá bán tăng 15–25%. Lãi suất thả nổi duy trì ở mức thấp (9–11%), tỷ lệ hấp thụ đạt 40–50%.

Kịch bản kỳ vọng (được đánh giá là khả thi nhất): Nguồn cung tăng 30–40%, giá bán tăng 10–15%, lãi suất thả nổi ở mức 10–12%, tỷ lệ hấp thụ khoảng 35–40%.

Kịch bản thách thức: Nguồn cung chỉ tăng 20–30%, giá bán tăng nhẹ từ 5–10%. Lãi suất thả nổi có thể tăng lên 11–13%, tỷ lệ hấp thụ giảm còn 30–35%.

Trong cả ba kịch bản, Hà Nội vẫn là địa phương được dự báo có mức tăng giá cao nhất, đặc biệt ở phân khúc chung cư sơ cấp, phản ánh nhu cầu lớn cùng nguồn cung chất lượng hạn chế.

Theo nhận định của bà Trịnh Thị Kim Liên, động thái từ các chủ thể trong thị trường – bao gồm chủ đầu tư, môi giới và người mua – sẽ đóng vai trò quyết định đối với xu hướng phục hồi trong thời gian tới.

Chủ đầu tư được dự báo sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án mới, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ hàng tồn kho. Việc mở rộng hệ thống phân phối và thu hút các thương hiệu mới cũng sẽ được chú trọng.

Ở phía môi giới, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ, lựa chọn kỹ phân khúc và chủ đầu tư để hợp tác. Đối với người mua, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp là yếu tố tích cực, góp phần hỗ trợ tâm lý và tăng khả năng ra quyết định mua bất động sản trong giai đoạn cuối năm.

Với dự báo tăng trưởng nguồn cung, sức mua phục hồi và giá bán tại Hà Nội vượt trội so với các khu vực khác, thị trường bất động sản nửa cuối năm 2025 được kỳ vọng sẽ sôi động trở lại, dù còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến kinh tế và chính sách điều hành vĩ mô.