Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vingroup là tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam được Tạp chí Forbes thừa nhận. Sau ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) là gương mặt thứ hai với khối tài sản tăng nhanh rõ nét.
Sau ông Vượng và bà Thảo, những cái tên như Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco); ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát; ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC và bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT BRG cũng nhận được sự kỳ vọng lớn.
Thế nhưng, cuối cùng, vào ngày 6/3/2018, Forbes đã công bố danh sách những người giàu nhất hành tinh năm 2018. Theo đó, mới chỉ 2 gương mặt mới ông Trần Bá Dương và ông Trần Đình Long được xác nhận là những tỷ phú đô la tiếp theo của Việt Nam.
Ông Trần Bá Dương và ông Trần Đình Long. |
Theo tính toán của Forbes, tại thời điểm 6/3/2018, tổng tài sản của ông Trần Bá Dương đạt 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, số tiền này được Forbes xác định là không chỉ thuộc sở hữu riêng của ông Dương mà còn là tài sản chung của cả gia đình.
Forbes không dành nhiều mỹ từ cho ông Dương mà chỉ nhấn mạnh một vài cột mốc quan trọng của vị doanh nhân này khi viết: “Ông Trần Bá Dương bắt đầu làm việc cho một nhà máy sửa chữa ô tô từ những 1980 và quản lý công việc theo cách riêng của mình. Ông thành lập Trường Hải trong năm 1997. Ban đầu công ty chỉ bán ô tô, sau đó mới lắp ráp cho một vài thương hiệu như Kia, Mazda và Peugeot. Trong năm 2008, công ty có bước ngoặt lớn khi Jardine Cycle and Carriage, một nhà phân phối ô tô ở Singapore mua cổ phần. Tới năm 2016, Thaco trở thành công ty ô tô lớn nhất Việt Nam với thị phần 32%”.
Tuy nhiên, Forbes cũng không quên nhấn mạnh về những thách thức mà Thaco sẽ gặp phải trong năm 2018 khi bình luận: “Thuế nhập khẩu ô tô giảm xuống 0% từ năm 2018 tạo ra thách thức với những công ty lắp ráp ô tô như Thaco”.
Về thông tin cá nhân của vị tỷ phú này, Forbes cho biết ông Trần Bá Dương năm nay 57 tuổi, đã kết hôn và có 2 người con. Nguồn tài sản của ông đến từ ngành ô tô. Và ông là tỷ phú tự thân, chứ không phải giàu lên nhờ tài sản thừa kế.
Ông Trần Bá Dương được Forbes đánh giá là người giàu thứ 1.339 trên thế giới và người giàu thứ 3 Việt Nam, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Theo thống kê của Forbes, hai vị tỷ phú đô la “cũ” này sở hữu khối tài sản lần lượt là 4,3 tỷ USD và 3,1 tỷ USD.
Bên cạnh ông Trần Bá Dương, Trần Đình Long cũng là gương mặt được chú ý tới. Ông Trần Đình Long đã có nhiều năm đứng trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Nhưng phải tới hôm nay, tên ông mới được xướng lên trong danh sách của Forbes.
Nhờ khối tài sản lên tới hơn 1,3 tỷ USD, ông Trần Đình Long đứng ở vị trí thứ 1.756 người giàu nhất thế giới và đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách các tỷ phú đô la của Việt Nam. Đây cũng là vị trí cuối cùng vì theo thống kê của Forbes, tới lúc này, Việt Nam mới chỉ có 4 tỷ phú đô la.
Forbes mô tả rất giản lược về ông chủ của Tập đoàn Hòa Phát khi viết: “Ông Trần Đình Long thành lập Tập đoàn Hòa Phát, một nhà phân phối phụ tùng và máy móc thiết bị trong năm 1992 tại Hà Nội. Ngày nay, Hòa Phát sản xuất thiết bị văn phòng, ống thép thép xây dựng. Hòa Phát được đánh giá là nhà sản xuất thép lớn nhất của Việt Nam”.
Thông tin cá nhân của ông Trần Đình Long cũng rất ít ỏi. Forbes chỉ tiết lộ ông Long năm nay 57 tuổi. Tài sản của ông có được từ ngành thép, công nghiệp nặng. Và ông được xác định là tỷ phú tự thân. Forbes không tiết lộ bất cứ thông tin nào về gia đình của tỷ phú này.
Trong khi đó, ông Trịnh Văn Quyết, người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam, với tài sản trên sàn chứng khoán trị giá 44.590 tỷ đồng (khoảng 1,96 tỷ USD), vẫn không được Forbes vinh danh là tỷ phú đô la.
Số lượng tỷ phú đô la của Việt Nam khiêm tốn hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Thái Lan dẫn đầu với 30 tỷ phú. Đứng sau là Singapore (22 tỷ phú) Indonesia (20 tỷ phú). Malaysia (14 tỷ phú), Philiphines (12 tỷ phú). Lào, Campuchia, Myanmar… không có đại diện nào.
Bảo Linh