EVFTA, EVIPA sẽ là “trụ đỡ” cho kinh tế Việt Nam phục hồi hậu Covid-19?

(CL&CL) - Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA, EVIPA) được kỳ vọng sẽ là “trụ đỡ” cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19. Tất nhiên, để các hiệp định này phát huy tối đa vai trò trợ lực của nó, Việt Nam còn phải làm rất nhiều…

Trước mắt, giai đoạn hậu dịch bệnh Covid-19, nếu Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm/ xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường 18.000 tỷ USD này.

Mở ra cơ hội tiếp cận thị trường 18.000 tỷ USD

Theo quy định, Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định này có hiệu lực, dự kiến vào ngày 1/8 tới đây. Như vậy, chỉ còn không tới 2 tháng nữa, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Kế đến, sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Một dây chuyền sản xuất tôm tại Fimex VN.

Có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (7 năm).

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đặc biệt, EVFTA sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).

Trong khi đó, với EVIPA, hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư, tiếp cận công nghệ hiện đại từ châu Âu, khi khu vực này hiện mới chỉ có khoảng 2.500 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký 27,5 tỷ USD.

10 năm tới, sẽ có gần 1 triệu người Việt thoát nghèo

Kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2019 gần 56,5 tỷ USD, chiếm hơn 1/10 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó, Việt Nam xuất siêu tới hơn 26 tỷ USD. Dự kiến, trung bình mỗi năm Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sẽ tạo thêm khoảng 150.000 việc làm mỗi năm. Nhờ đó, trong 10 năm tới dự kiến sẽ có thêm 0,8 triệu người Việt Nam có thể thoát nghèo…

“Nếu tận dụng được hết những cơ hội vàng mà 2 Hiệp định đem lại thì đây sẽ là một điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam có thể bật dậy được ngay sau đại dịch Covid-19. Quan trọng hơn nữa, về lâu dài Việt Nam có thể đa dạng hóa được các đối tác thương mại và trở nên hấp dẫn hơn nữa với các nhà đầu tư trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu đang tiếp tục dịch chuyển”, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho hay.

Cũng theo ông Thái, xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam. Cùng đó, các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.

Thay đổi để đón cơ hội

Tất nhiên, EVFTA hay EVIPA sẽ không phải là chiếc đũa thần, nếu chúng ta không nỗ lực cải cách, chắt chiu và tận dụng từng cơ hội do những hiệp định này mang lại ở trong tất cả các lĩnh vực từ thúc đẩy xuất khẩu hay thu hút đầu tư…, thì kinh tế Việt Nam sẽ thực sự khó có được vận hội phát triển mới.

Về vấn đề này, ông Trương Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM, cho rằng: “Thời cơ tuy đang đến, nhưng có tận dụng phát huy để biến thời cơ thành hiện thực hay không là vấn đề của chúng ta. Kinh nghiệm hội nhập 20 năm qua từ ký kết hiệp định song phương với Hoa Kỳ, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nhiều định chế quốc tế khác… Việt Nam có nhiều ưu điểm nhưng cũng có những điểm yếu trong việc biến thời cơ thành hiện thực”.

Theo ông Nghĩa, cần xác định rõ, khi EVFTA hay EVIPA được thông qua thì đó là thời điểm Việt Nam bắt đầu một cuộc đua, chứ chưa phải ngồi vào một “bữa tiệc” được bày sẵn. Nhất là nếu không cẩn thận chúng ta có thể ách tắc trong cái “bẫy” thu nhập trung bình, khi đó, bữa tiệc người khác sẽ hưởng... Chính vì không miễn phí nên chúng ta phải đầu tư và một trong những điểm mấu chốt phải đầu tư là cải thiện nền kinh tế. “Để làm được điều đó, Việt Nam phải tập trung vào 3 trụ cột: Hoàn thiện thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, ông Nghĩa nói thêm.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế thì nhận định, hai hiệp định này cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn so với những cam kết trong Hiệp định CPTPP về tiêu chuẩn kỹ thuật về sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn của EU hoặc tối thiểu cũng phải đạt tiêu chuẩn của thế giới, tiêu chuẩn về môi trường, về lao động… 

“Đây vừa là cơ hội vừa là sức ép để buộc chúng ta phải đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện Luật pháp đồng bộ, cải thiện môi trường và minh bạch hơn trong đầu tư kinh doanh, đặc biệt là thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao đầu tư theo hướng cung ứng khép kín để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho hàng hóa Việt Nam”, ông Hiếu phân tích.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, cho rằng EVFTA sẽ góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam gia tăng sức bật song cho rằng đừng quá vội mừng về những con số hiện nay.

“Những năm qua, Việt Nam đã đạt được các thành tích lớn về thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi mình có cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thì cái lợi cũng sẽ dành chủ yếu cho họ bởi trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI hiện chiếm đến gần 70% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, với các doanh nghiệp Việt Nam chuyên về xuất khẩu thì đầu vào cũng lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc; hoặc doanh nghiệp Việt hiện vẫn chỉ tham gia khâu gia công - khâu thấp kém nhất trong chuỗi sản xuất các mặt hàng", bà Lan phân tích.

Từ đó, chuyên gia cho rằng đừng quá hài lòng với một vài những con số chung chung như giá trị xuất khẩu tăng lên, đầu tư nước ngoài tăng lên… mà phải nhìn sâu vào vấn đề doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng lên được bao nhiêu, người Việt hưởng lợi được bao nhiêu từ tất cả những con số tăng trưởng đó...

Bá Lâm

Nên đọc