Tỷ phú gốc Nam Phi Elon Musk lập các công ty công nghệ đình đám nhất thế giới trong đó có Tesla Motors chuyên sản xuất xe chạy điện, xe không người lái và SpaceX với tham vọng đưa du khách thám hiểm không gian. Hôm 16/7 Elon Musk đã làm chấn động giới khoa học thế giới khi thông báo rằng Nerualink - công ty do chính ông đầu tư, thành lập năm 2016 ở California, Hoa Kỳ, với hơn 150 triệu USD và 90 nhân viên - đã thành công trong việc phát triển công nghệ kết nối giữa máy tính với não người thông qua con chip điện tử. Dự kiến, Nerualink sẽ tiến hành ca cấy ghép đầu tiên vào khoảng giữa năm 2020 và các robot do công ty này chế tạo sẽ thực hiện các ca phẫu thuật cấy ghép!
Một thiết bị nhỏ gọn như tai nghe được gắn bên ngoài để kết nối con chip và truyền dữ liệu về máy tính qua kết nối không dây. (Ảnh: Neuralink). |
Trí tuệ siêu phàm của con người
Theo mô tả của Elon Musk thì con chip mà Neuralink chế tạo là một bộ vi xử lý siêu nhỏ đóng vai trò giao diện giữa não người và máy tính sẽ được cấy vào não các tình nguyện viên. Bộ vi xử lý này được kết nối với trí tuệ nhân tạo, kích thích các tế bào thần kinh trong não người nhờ những sợi điện cực siêu nhỏ có vai trò như dây thần kinh. “Bộ vi xử lý của Neuralink hiệu quả gấp 1.000 lần so với các hệ thống kích thích thần kinh bằng điện cực mà loài người đã tạo ra” - Musk phát biểu.
Dù vậy, ý tưởng này của Musk cũng được xem là “viễn vông” như nhiều ý tưởng khác mà vị tỷ phú này từng đưa ra trước đây.
Các nhà khoa học cho rằng ý tưởng cấy chip vào não người nhằm hướng đến một trí tuệ siêu phàm thực chất được bắt nguồn từ một tiểu thuyết khoa học vào năm 1984. Cụ thể, trong tác phẩm “Neuromancer”, tác giả William Gibson đã từng có ý tưởng đưa một con chip vào não người giúp họ truy cập toàn bộ kho tàng dữ liệu hiện có trên internet.
Khác với sự hồ hởi của Elon Musk, đại diện của Neuralink, ông Max Hodak xác nhận rằng sẽ còn rất lâu công trình nghiên cứu của họ mới đạt được mức độ như đã mô tả trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, họ muốn công bố dự án này để công ty không phải giữ bí mật và có thể thoải mái tiến hành công trình nghiên cứu của mình.
Bên cạnh đó, giám đốc dự án của Neuralink là Shivon Zilis cho biết, chính Elon Musk là người có nhiều đóng góp tích cực nhất để giúp Neuralink có thể giải quyết các thách thức kỹ thuật của dự án.
Không chỉ có tham vọng đưa não người thành bộ óc siêu phàm, những ý tưởng về y tế mà Neuralink đang thực hiện có thể giúp người tàn tật vận động trở lại hoặc hỗ trợ các thiết bị quan sát, âm thanh đối với người khiếm thính, khiếm thị.
Con chip nhỏ xíu được Neuralink phát triển để cấy ghép vào não người. (Ảnh: Neuralink). |
Trở ngại của kỹ thuật cấy ghép
Bên cạnh việc phát triển bộ vi xử lý, một điều khiến các nhà khoa học của Neuralink lo ngại đó chính là phẫu thuật cấy ghép con chip này vào não người. Phương pháp cơ bản sẽ là khoan một lỗ trên sọ người, tuy nhiên mũi khoan này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến các hệ thần kinh của con người.
Vì thế, các nhà khoa học của công ty này đang hướng đến là nghiên cứu và chế tạo máy chiếu tia laser để khoan lỗ trên.
Ông Hodak tiết lộ rằng công ty sẽ kết hợp với giáo sư Jaimie Henderson và các bác sĩ phẫu thuật não hàng đầu thế giới tại Đại học Stanford và các đại học y khoa danh tiếng khác để tiến hành các thử nghiệm của Neuralink.
Thành quả lớn nhất hiện Neuralink đạt được là sử dụng “cỗ máy” đặt những đường nối giữa điện cực vào vị trí gần với neuron thần kinh, những tế bào tí hon tạo nên bộ não.
Sau khi thành công, việc có thể thu thập dữ liệu từ các tế bào thần kinh và truyền thông tin qua kết nối không dây đến máy tính sẽ là bước đột phá cực kỳ lớn trong việc nghiên cứu não bộ con người.
Theo nguyên lý, cỗ máy đặc biệt của Neuralink sẽ hoạt động với những chiếc kim siêu nhỏ kết hợp cùng hệ thống hình ảnh để đưa con chip vào não bộ người và khâu các điện cực một cách chính xác, tránh động đến những mạch máu trên bề mặt não.
Những sợi dây dẫn kết nối giữa chip và não người chỉ có kích cỡ khoảng 1/4 sợi tóc người. Tuy kích thước cực nhỏ nhưng những sợi dây này lại được nối với hàng loạt điện cực.
Không có vị trí đặt cố định, tùy vào mục đích nghiên cứu về các chức năng nói, nhìn, nghe hoặc điều khiển cử động mà con chip sẽ được đặt tại các vị trí khác nhau.
“Cỗ máy” do Neuralink phát triển để cấy các điện cực của con chip vào não người thông qua các sợi dây dẫn siêu nhỏ. (Ảnh: Neuralink). |
Đánh giá về các dây dẫn mà Neuralink phát triển, giáo sư Terry Sejnowski thuộc Viện Sinh học Salk thừa nhận đây là một phát kiến gần như hoàn hảo. Nhưng, vị giáo sư này cũng cảnh báo các nhà nghiên cứu của Neuralink về khả năng cách điện của các dây dẫn này vì môi trường trong não có thể ăn mòn lớp bọc cách điện sau một thời gian.
Một lưu ý là Neuralink không phải là đơn vị duy nhất tiến hành công trình nghiên cứu những thiết bị đọc não bộ. Thông tin chính thức cho biết Lầu Năm Góc đã tài trợ cho rất nhiều dự án về nghiên cứu não bộ cũng như các hệ thống điều khiển tích hợp trong não dành cho chân, tay giả.
Cụ thể là trong thời gian vừa qua, Cơ quan nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) đã công bố các nghiên cứu cho thấy khả năng điều khiển tay chân giả cho một số hành động cơ bản.
Bên cạnh đó, còn có các công trình nghiên cứu hướng đến việc sử dụng ánh sáng để thay thế cho các điện cực trong việc thu thập dữ liệu từ não người.
Huấn Phan