Trong năm 2017, các hoạt động của Tổ chức Hợp tác Đường sắt (OSJD) chủ yếu nhằm vào việc hoàn thiện và phát triển liên vận hành khách và hàng hóa đường sắt quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh vận tải đường sắt trong không gian Á-Âu, tăng cường khung pháp lý để đạt được hiệu quả cao nhất trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt và đáp ứng nhu cầu của các nước - thành viên Hội OSJD trong vận chuyển hành khách và hàng hoá.
Đặc biệt, trong năm 2017, tổ chức đã thành công trong việc xây dựng vận tải đa phương thức và tạo các hành trình container mới trên các tuyến ĐS của các nước thành viên. Tổng cộng có 290 hành trình các đoàn tàu container, trong đó có 150 chạy thường xuyên.
Hội nghị Tổng Giám đốc OSJD lần này sẽ thông qua 16 nghị quyết là những nghị quyết nằm trong thẩm quyền của Hội nghị Tổng Giám đốc nhằm đảm bảo hoạt động của Tổ chức này trong giai đoạn 2018-2019 và trình lên Hội nghị Bộ trưởng thông qua những nghị quyết nằm trong thẩm quyền của Hội nghị Bộ trưởng, về các lĩnh vực vận tải hàng hóa và hành khách; Cơ sở hạ tầng và Đầu máy toa xe; Mã hóa và công nghệ thông tin; Tài chính và thanh toán; Giáo dục/đào tạo nghề nghiệp trong lĩnh vực vận tải đường sắt; Bổ nhiệm lãnh đạo của Ủy ban OSJD; Phân bổ chức danh trong bộ máy lãnh đạo của Ủy ban, chức danh trưởng ban và chuyên gia tại các bộ máy làm việc của OSJD kể từ ngày 1/7/2018; Kết nạp Korail làm thành viên của OSJD và Chương trình công tác năm 2019 và những năm tiếp theo của OSJD…
Đối với Việt Nam, trong những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam tương đối ổn định và có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trong đó, lĩnh vực GTVT đã đạt được một số thành tựu đáng kể với kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được cải thiện, một số công trình giao thông lớn quan trọng đã hoàn thành; vận tải duy trì mức tăng trưởng 8%; giao thông đô thị được chú trọng đầu tư.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Việt Nam đã tham gia và thực hiện nhiều Hiệp định thương mại với các nước trên thế giới như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á Âu (VN-EAEA FTA), gần đây đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang chuẩn bị ký Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Từ đó, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng. Đây cũng là cơ hội, thách thức đặt ra yêu cầu Việt Nam phải thiết lập một mạng lưới giao thông và logistics hiệu quả hơn có tích hợp các phương thức (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không) nhằm tối đa hóa lợi ích hoạt động vận tải.
“Để vượt qua những thách thức này, Việt Nam đã xác định bên cạnh việc cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực thì phát triển kết cấu hạ tầng được coi là khâu đột phá chiến lược. Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đặc biệt là cơ chế thu hút vốn đầu tư nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực từ khối tư nhân trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức: ngân sách nhà nước (bao gồm cả ODA), phát hành trái phiếu, đối tác công - tư, chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng hiện có, khai thác quỹ đất và các dịch vụ liên quan...“, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói và cho biết thêm, ngành Đường sắt VN đang tích cực, chủ động thực hiện tái cơ cấu, đổi mới tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh; tăng cường đầu tư, xây dựng kết nối với mạng đường sắt quốc tế như với Trung Quốc, Lào, Campuchia nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, mở rộng và tăng thị phần vận tải.
“Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai. Với các dự án này, hy vọng giao thông đường sắt sẽ phát triển theo hướng hiện đại, phục vụ phát triển đất nước một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Bộ GTVT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để ngành Đường sắt Việt Nam hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển chung của đất nước và mạng lưới đường sắt OSJD” Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng tin tưởng rằng Hội nghị này là diễn đàn để lãnh đạo đường sắt các nước thành viên OSJD gặp gỡ, thảo luận và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để quản lý và khai thác hiệu quả hơn nữa mạng đường sắt hiện có, đồng thời trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối vận tải trên hành lang liên vận Á - Âu cũng như củng cố và thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác hiệu quả giữa các đường sắt. Với lợi thế của một phương thức vận tải an toàn, chi phí hợp lý cùng gia tăng đầu tư từ Chính phủ vào lĩnh vực đường sắt của các nước thành viên trong thời gian tới, đường sắt sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại và phát triển kinh tế giữa các quốc gia đường sắt.
Song song với các chương trình nghị sự của Hội nghị Tổng Giám đốc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ có các cuộc gặp song phương với đường sắt các nước nhằm trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác để phát triển vận tải logistics bằng phương tiện đường sắt giữa Việt Nam và các nước thành viên OSJD, tổ chức chạy các đoàn tàu container chuyên tuyến từ Việt Nam qua các nước thành viên OSJD đến châu Âu; Tăng cường hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt tại Việt Nam nhằm kết nối Mạng đường sắt xuyên Á và các dự án trong khuôn khổ Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam; Thúc đẩy và mở rộng hợp tác trong nghiên cứu, tổ chức sản xuất và cung ứng đầu máy toa xe, máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và thiết bị đảm bảo an toàn chạy tàu…
PV