Theo ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, 13 sản phẩm bao gồm: nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost hương dâu, hương cam, hương xoài, nước tăng lực Samurai hương dâu chai thủy tinh và chai PET, nước cam có tép Teppy, nước uống vận động Aquarius và Dasani có bổ sung khoáng chất bị dừng lưu thông vì chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho việc sản xuất thực phẩm bổ sung.
Hình ảnh của 1 trong 3 sản phẩm phải ngừng lưu thông. |
Đại diện Coca Cola đã thừa nhận các nhà máy của Coca Cola mới chỉ được chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất các sản phẩm nước giải khát có gas, không có gas và nước đóng chai. Hiện Coca Cola buộc phải tạm dừng sản xuất, tạm dừng lưu thông, thu hồi các sản phẩm liên quan.
Câu chuyện Coca Cola sản xuất hàng loạt sản phẩm khi chưa đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đang đặt ra nhiều vấn đề lo ngại về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sự tôn trọng người tiêu dùng và tính tuân thủ luật pháp Việt Nam?
Trước đó, Coca Cola Việt Nam bị Cục Thuế TP.HCM xếp vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm liền.
Theo đó, “bí quyết” để công này có thể liên tục kê khai lỗ chính là chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.
Coca-Cola đang đánh mất niềm tin của người tiêu dùng Việt? |
Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80-85% giá vốn. Đến cuối năm 2012, số tiền lỗ lũy kế của Coca Cola đã lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt cả số tiền đầu tư ban đầu của tập đoàn này là 2.950 tỷ đồng. Và sau hơn 20 năm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Coca Cola chưa đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.
Đối với nhiều người tiêu dùng từng uống sản phẩm Coca Cola ở nước ngoài hay sản phẩm nhập khẩu, họ cho rằng các loại nước ngọt có gas của Coca Cola sản xuất tại Việt Nam có chất lượng thấp hơn hẳn.
Giang Giang